Bệnh cúm A H1N1 là bệnh gì? Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A H1N1

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
24/03/2023 11:36 AM

Xin cho tôi hỏi bệnh cúm A H1N1 là bệnh gì? Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A H1N1 như thế nào? - Minh Lam (TP. HCM)

Bệnh cúm A H1N1 là bệnh gì? Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A H1N1

Bệnh cúm A H1N1 là bệnh gì? Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A H1N1 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bệnh cúm A H1N1 là bệnh gì?

Tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A H1N1 ban hành kèm theo Quyết định 2762/QĐ-BYT năm 2009, bệnh cúm A H1N1 lây truyền từ người sang người, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong. Như vậy, bệnh cúm A H1N1 là loại bệnh truyền nhiễm, có thể dẫn đến tử vong nếu con người mắc phải.

2. Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A H1N1

Theo khoản 2 Mục I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2762/QĐ-BYT năm 2009, biểu hiện của bệnh cúm A H1N1 dựa trên yếu tố lâm sàng có các triệu chứng như sau:

- Sốt.

- Các triệu chứng về hô hấp:

+ Viêm long đường hô hấp.

+ Đau họng.

+ Ho khan hoặc có đờm.

- Các triệu chứng khác

+ Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy.

Ngoài ra, nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

3. Các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh cúm A H1N1

Cụ thể tại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A H1N1 ban hành kèm theo Quyết định 2762/QĐ-BYT năm 2009, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn trong việc phòng lây nhiễm bệnh cúm A H1N1 như sau:

(1) Tổ chức khu vực cách ly trong bệnh viện:

- Tổ chức các khu vực cách ly như đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác.

+ Bố trí phòng khám sàng lọc phát hiện người bệnh nghi nhiễm cúm ở khu vực khám bệnh.

+ Bố trí buồng bệnh riêng cho các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh tại khoa truyền nhiễm và các khu điều trị riêng.

- Hạn chế và kiểm soát người ra vào khu vực cách ly.

(2) Phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm:

- Tất cả người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh.

Người bệnh cần được hướng dẫn vệ sinh đường hô hấp.

- Khi vận chuyển người bệnh cần báo trước cho nơi tiếp đón. Người bệnh và người chuyển người bệnh cần mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân.

Khử khuẩn các phương tiện vận chuyển sau khi dùng.

- Trường hợp người nhà chăm sóc người bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh phải được hướng dẫn, đăng ký và áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm như nhân viên y tế.

(3) Phòng ngừa cho nhân viên y tế:

- Rửa tay thường quy trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.

- Phương tiện phòng hộ gồm: Khẩu trang ngoại khoa, khẩu trang N95, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng.

Phương tiện phòng hộ phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly, được sử dụng đúng cách và khi cần thiết. Sau khi dùng được xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

- Bệnh phẩm xét nghiệm: Phải đặt trong túi nilon hoặc hộp vận chuyển đóng kín theo quy định đến phòng xét nghiệm.

- Giám sát: lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm xử lý bệnh phẩm.

Những nhân viên này cần được theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng hàng ngày.

- Những nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính tránh tiếp xúc với người bệnh.

(4) Xử lý dụng cụ y tế, đồ vải và dụng cụ dùng cho người bệnh:

- Lau và khử khuẩn bề mặt buồng bệnh hai lần mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn.

- Dụng cụ y tế: Những dụng cụ dùng lại phải khử khuẩn ngay tại khu vực cách ly, sau đó chuyển về khu vực quy định để cọ rửa và tiệt khuẩn.

- Phương tiện dùng cho người bệnh: phải tẩy uế và cọ rửa bằng xà phòng và hoá chất khử khuẩn. Người bệnh dùng dụng cụ phục vụ vệ sinh và dinh dưỡng riêng.

- Đồ vải: áp dụng phương pháp vận chuyển và xử lý như đồ vải nhiễm khuẩn nguy hiểm (thu gom đồ vải trong túi nilon màu vàng trước khi vận chuyển xuống nhà giặt.

Không ngâm đồ vải tại khu vực cách ly. Giặt đồ vải trong các dung dịch khử khuẩn.

Trong trường hợp phải giặt bằng tay thì trước khi giặt đồ vải phải ngâm khử khuẩn).

(5) Xử lý người bệnh tử vong:

- Người bệnh tử vong phải được khâm liệm theo quy định phòng chống dịch, phải khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn.

- Chuyển tử thi đến nơi chôn cất hoặc hoả táng bằng xe riêng và đảm bảo đúng quy định phòng lây nhiễm.

- Tử thi phải được chôn cất hoặc hoả táng trong vòng 24 giờ.

(6) Các biện pháp phòng bệnh chung:

- Trong vùng có dịch phải đeo khẩu trang.

- Tăng cường rửa tay.

- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp, súc miệng - họng bằng các thuốc sát khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,108

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]