Viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 2 Luật viên chức 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý. (Khoản 1 Điều 3 Luật viên chức 2010) |
Hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức sử dụng bằng giả được quy định như sau:
- Viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức.
- Viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
(Khoản 4 Điều 18 và Khoản 4 Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)
Nếu viên chức có hành vi sử dụng bằng giả để thực hiện hành vi trái pháp luật theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với khung hình phạt như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
- Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Những việc viên chức không được làm bao gồm:
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Điều 19 Luật viên chức 2010)
Nguyễn Thị Hoài Thương