Các trường hợp viên chức bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 2 Luật viên chức 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp viên chức bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:
(1) Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
(2) Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 Luật viên chức 2010;
(3) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục;
Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
(4) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
(5) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
(6) Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
(Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức 2010)
Theo khoản 2 Điều 29 Luật viên chức 2010, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, trừ trường hợp quy định tại (2) mục 2 thì:
- Đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải báo cho viên chức biết trước ít nhất 45 ngày;
- Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn: người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải báo cho viên chức biết trước ít nhất 30 ngày.
Đối với viên chức do cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Viên chức được giải quyết thôi việc trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức quy định tại (3), (4), (5) và (6) mục 2.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì đồng thời phải giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.
Mặt khác, không thực hiện chế độ thôi việc đối với các trường hợp sau:
- Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị;
- Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật;
- Viên chức thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại mục 3.
(Điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP)
Theo khoản 3 Điều 29 Luật viên chức 2010, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
- Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại (3) mục 2;
- Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép;
- Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
Nguyễn Thị Hoài Thương