Tổ chức triển lãm mỹ thuật không có giấy phép bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/04/2023 11:56 AM

Cho tôi hỏi tổ chức triển lãm mỹ thuật mà không có giấy phép theo quy định bị xử lý như thế nào? - Mỹ Linh (Bình Dương)

Tổ chức triển lãm mỹ thuật không có giấy phép bị xử lý thế nào?

Tổ chức triển lãm mỹ thuật không có giấy phép bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Triển lãm mỹ thuật là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 113/2013/NĐ-CP, triển lãm mỹ thuật là việc trưng bày, công bố, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật đến công chúng, bao gồm: 

- Triển lãm quy mô toàn quốc, khu vực, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 

- Triển lãm do các tổ chức, cơ quan, nhóm, cá nhân thực hiện; 

- Triển lãm của Việt Nam tại nước ngoài;

- Triển lãm của nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

2. Tổ chức triển lãm mỹ thuật không có giấy phép bị xử lý thế nào?

Tổ chức triển lãm mỹ thuật mà không có giấy phép theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 17 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm là văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

- Buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm.

(Điểm b, đ khoản 7 Điều 17 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP)

* Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP)

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động mỹ thuật

Nghiêm cấm các hành vi sau đây trong hoạt động mỹ thuật:

- Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực; 

Truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục và hủy hoại môi trường.

- Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

- Sao chép, trưng bày, mua, bán, chuyển nhượng tác phẩm mỹ thuật vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

(Điều 8 Nghị định 113/2013/NĐ-CP)

4. Nhà nước có những chính sách gì để phát triển mỹ thuật?

Theo Điều 4 Nghị định 113/2013/NĐ-CP, chính sách của Nhà nước về phát triển mỹ thuật được quy định như sau:

- Phát triển mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.

- Bảo tồn và phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mỹ thuật theo quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ, đặt hàng, sáng tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, tác động tốt đến đời sống xã hội.

- Tặng giải thưởng, phổ biến, giới thiệu và quảng bá các tác phẩm mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao.

- Đào tạo tài năng mỹ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ và mỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tài trợ cho hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực mỹ thuật theo định hướng của Nhà nước.

- Đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới bảo tàng mỹ thuật, nhà triển lãm mỹ thuật ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,035

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]