Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép xe tập lái mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Quy định về giấy phép xe tập lái và thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái theo Điều 11 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2022/NĐ-CP) như sau:
- Giấy phép xe tập lái được cơ quan có thẩm quyền cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục VII kèm theo Nghị định 65/2016/NĐ-CP, có thời hạn tương ứng với thời gian được phép lưu hành của xe tập lái.
Phụ lục VII |
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái:
+ Cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép xe tập lái cho xe tập lái của cơ sở đào tạo thuộc cơ quan Trung ương do Bộ Giao thông vận tải giao;
+ Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép xe tập lái cho xe tập lái của cơ sở đào tạo do địa phương quản lý.
Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép xe tập lái theo Điều 12 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2022/NĐ-CP) như sau:
- Hồ sơ bao gồm:
+ Danh sách xe đề nghị cấp giấy phép xe tập lái theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Nghị định 65/2016/NĐ-CP;
Phụ lục VIII |
+ Giấy đăng ký xe (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
- Trình tự thực hiện
+ Tổ chức gửi danh sách quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2022/NĐ-CP) kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái quy định tại mục 1;
+ Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra cấp giấy phép xe tập lái cho tổ chức đề nghị cấp phép tại thời điểm kiểm tra cấp giấy phép đào tạo lái xe;
+ Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép đào tạo lái xe cho cơ sở đào tạo, Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép xe tập lái. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
+ Trường hợp cấp lại giấy phép xe tập lái hoặc bổ sung xe tập lái: Cơ sở đào tạo lập 01 bộ hồ sơ bao gồm các thành phần nêu tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2022/NĐ-CP), gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái theo quy định tại mục 1.
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép xe tập lái cho cơ sở đào tạo. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quy định về đào tạo lái xe, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo Điều 61 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) như sau:
- Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định.
- Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe.
- Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 phải được đào tạo. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo.
- Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho những trường hợp sau đây:
+ Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B1 lên hạng B2;
+ Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B2 lên hạng C hoặc lên hạng D;
+ Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D hoặc lên hạng E;
+ Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D lên hạng E;
+ Nâng hạng giấy phép lái xe từ các hạng B2, C, D, E lên các hạng giấy phép lái các xe tương ứng có kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc.
- Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 4 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) còn phải có đủ thời gian và số ki-lô-mét lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe;
Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D, E tối thiểu phải có trình độ văn hóa trung học cơ sở.
- Việc đào tạo lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên và lái xe kéo rơ moóc chỉ được thực hiện bằng hình thức đào tạo nâng hạng với các điều kiện quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018).
- Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ô tô phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe. Các trung tâm sát hạch lái xe phải có đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo quy định.
- Người sát hạch lái xe phải có thẻ sát hạch viên theo quy định và phải chịu trách nhiệm về kết quả sát hạch của mình.
- Người đã qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển.
Trường hợp giấy phép lái xe có thời hạn, trước khi hết thời hạn sử dụng người lái xe phải khám sức khỏe và làm các thủ tục theo quy định để được đổi giấy phép lái xe.