Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
15/05/2023 12:31 PM

Xin cho tôi biết việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị được thực hiện như thế nào theo quy định hiện hành? - Trung Nghĩa (Bình Phước)

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị

Các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được chia thành 3 nhóm:

- Nhóm I: Các chức danh lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước

- Nhóm II: Chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

- Nhóm III: Khung chức danh, chức vụ thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý

Trong đó, Ủy viên Bộ Chính trị thuộc nhóm Các chức danh lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, ở cấp Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(Theo Bảng danh mục Chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương tương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở kèm theo Kết luận 35-KL/TW ngày 05/5/2022)

Do vậy, quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023, cụ thể như sau:

* Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm

Căn cứ kế hoạch của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ chuẩn bị các nội dung sau:

- Yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Quy định 96-QĐ/TW.

- Tập hợp báo cáo, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và báo cáo giải trình, cung cấp thông tin về nội dung liên quan (nếu có), gửi cho người ghi phiếu trước 15 ngày; các nội dung, vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm thì gửi cho người được lấy phiếu tín nhiệm trước 10 ngày lấy phiếu tín nhiệm.

- Chuẩn bị phiếu tín nhiệm ghi danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức tín nhiệm và có đóng dấu treo của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định.

- Đề xuất ban kiểm phiếu.

* Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

- Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quán triệt về mục đích, yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ theo quy định.

- Bầu ban kiểm phiếu; ban kiểm phiếu tiến hành phát phiếu, hướng dẫn cách ghi phiếu.

- Cán bộ trong thành phần ghi phiếu và bỏ phiếu vào thùng phiếu theo quy định.

* Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

- Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và thông báo kết quả kiểm phiếu với hội nghị.

- Biên bản kiểm phiếu được lập thành 3 bản (2 bản gửi cấp trên trực tiếp; 1 bản lưu tại địa phương, cơ quan, đơn vị) và quản lý theo chế độ mật.

- Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 10, Quy định 96-QĐ/TW.

2. Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị

Các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viện Bộ Chính trị như sau:

(1) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

(2) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu)

- Kết quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

(Điều 5 Quy định 96-QĐ/TW)

Xem thêm: Tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị mới nhất năm 2023

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,642

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]