Nghị quyết 77/NQ-CP: Nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/05/2023 14:03 PM

Thời gian tới có nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh hay không? Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay được quy định như thế nào? – Hoàng Hiệp (TPCHM)

Nghiên cứu thí điểm sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Nghiên cứu thí điểm sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh (Hình từ internet)

Ngày 12/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2023 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nghiên cứu thí điểm sáp nhập tỉnh

Một trong những nội dung đề cập tại Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2023 là:

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Như vậy, thí điểm sáp nhập tỉnh là một chủ trương được đề cập tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 và nay được tiếp tục nhắc lại trong Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2023.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, đã thực hiện sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Các huyện, xã này bị sáp nhập do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích, dân số,… theo quy định.

Hiện chưa rõ đơn vị hành chính cấp tỉnh nào sẽ thuộc diện thí điểm sáp nhập nhưng có thể tiêu chí để sáp nhập tỉnh sẽ dựa vào diện tích và dân số.

Tiêu chí của các đơn vị hành chính cấp tỉnh

Hiện nay, tiêu chí của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (được sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15), cụ thể như sau:

**Tiêu chí của tỉnh:

(1) Quy mô dân số:

- Tỉnh miền núi, vùng cao: từ 900.000 người trở lên;

- Tỉnh không miền núi, vùng cao: từ 1.400.000 người trở lên.

(2) Diện tích tự nhiên:

- Tỉnh miền núi, vùng cao: từ 8.000 km2 trở lên;

- Tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao: từ 5.000 km2 trở lên.

(3) Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 01 thành phố hoặc 01 thị xã.

**Tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương:

(1) Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên.

(2) Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.

(3) Đơn vị hành chính trực thuộc:

- Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên.

- Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.

(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.

(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13.

Lưu ý: Còn có tiêu chí đặc thù đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Cụ thể, Thành phố trực thuộc trung ương có 02 yếu tố đặc thù sau đây thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện bằng 50% mức quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định tại Mục 2 (Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị):

- Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận;

- Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,754

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]