Các trường hợp phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
19/05/2023 15:15 PM

Tôi muốn biết các trường hợp phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền được quy định thế nào? - Thu Hương (Đà Nẵng)

Các trường hợp phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền

Các trường hợp phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là nhận biết khách hàng?

Theo khoản 1 Điều 9 Luật Phòng chống rửa tiền 2022, nhận biết khách hàng bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin quy định tại Điều 10, 11, 12, 13 và 14 Luật Phòng chống rửa tiền 2022.

2. Các trường hợp phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền

Các trường hợp phải nhận biết khách hàng trong phòng chống rửa tiền được quy định như sau:

(1) Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau:

- Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, ví điện tử và các loại tài khoản khác hoặc khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;

- Khi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không giao dịch trong thời gian 6 tháng liên tục trước đó thực hiện giao dịch nộp, rút hoặc chuyển khoản có tổng giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày trừ giao dịch tất toán hoặc rút lãi tiết kiệm, trả nợ thẻ tín dụng, trả nợ khoản cấp tín dụng cho tổ chức tài chính, khoản thanh toán định kỳ đã đăng ký với tổ chức tài chính, giao dịch rút lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán, đầu tư trái phiếu;

- Khi khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng hoặc giao dịch của các bên liên quan đến giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu quy định tại các Điều 27, 28, 29, 30 và 31 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 hoặc dấu hiệu đáng ngờ khác do đối tượng báo cáo xác định;

- Khi khách hàng bổ sung thông tin, tài liệu không trùng khớp với thông tin, tài liệu đã cung cấp trước đó hoặc thông tin, tài liệu do đối tượng báo cáo thu thập, xác định.

(2) Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược phải nhận biết khách hàng: 

Khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 70.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày.

(3) Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản phải nhận biết khách hàng: 

Đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới mua, bán bất động sản; đối với chủ sở hữu tài sản trong hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.

(4) Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý phải nhận biết khách hàng: 

Khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt mua hoặc bán kim khí quý, đá quý có giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ tiền mặt có giá trị tương đương trở lên trong một ngày.

(5) Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý phải nhận biết khách hàng: Khi thực hiện các giao dịch cho khách hàng liên quan đến thành lập, điều hành hoặc quản lý các thỏa thuận pháp lý.

(6) Tổ chức, cá nhân khi cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp phải nhận biết khách hàng: 

Khi khách hàng sử dụng hoặc yêu cầu sử dụng dịch vụ.

(7) Tổ chức, cá nhân khi cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba phải nhận biết khách hàng: 

Đối với bên thứ ba và người giám đốc hoặc thư ký đó.

(Điều 6 Nghị định 19/2023/NĐ-CP)

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,260

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]