Yêu cầu đối với nơi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nhà, kho, bến, bãi, cảng, khu vực vùng nước cảng biển, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP.
Nơi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính là nhà, kho, bãi cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
(i) Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hệ thống hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy;
(ii) Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí.
Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng;
(iii) Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;
(iv) Đối với nhà, kho sử dụng để quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ, chất độc, chất phóng xạ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống cháy, nổ, phòng độc, chống phóng xạ, phòng ngừa sự cố môi trường.
(Khoản 2 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP)
Cụ thể tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, nơi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính là bến, cảng và khu vực vùng nước cảng biển cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
(1) Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy và các điều kiện quy định tại (ii), (iii) mục 2.1 trong phạm vi nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;
(2) Đối với nơi tạm giữ là bến thủy nội địa, khu vực vùng nước cảng biển thì ngoài điều kiện quy định tại (1), còn phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội quy hoạt động ra, vào bến và khu vực vùng nước cảng biển, sắp xếp, neo đậu phương tiện.
Nơi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính là trụ sở cơ quan cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự;
- Phải có biện pháp an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm khô ráo, thoáng khí;
- Có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp.
(Khoản 4 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP)
Căn cứ tại khoản 6 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức quản lý nơi tạm giữ chung hoặc giao cho một cơ quan quản lý.
Cơ quan có nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu hoặc được giao quản lý nơi tạm giữ chung phải bố trí người làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, cụ thể như sau:
- Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nơi tạm giữ riêng của một cơ quan thì thủ trưởng cơ quan đó bố trí người làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu;
- Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nơi tạm giữ chung của nhiều cơ quan khác nhau ở địa phương thì việc bố trí người làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trên cơ sở đề xuất thống nhất giữa các cơ quan ở địa phương.
Nguyễn Thị Hoài Thương