Các trường hợp Hội đồng nhân dân miễn nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định Hội đồng nhân dân miễn nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân trong các trường hợp sau đây:
- Từ chức theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP: Thành viên Ủy ban nhân dân nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể từ chức.
- Được cơ quan có thẩm quyền bố trí công việc khác mà không thuộc diện điều động theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
- Được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ chế độ hưu trí, thôi việc;
- Không được tín nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Tổ chức chính quyền địa phương:
+ Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức
+ Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức vụ đó có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm người không được Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
Theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định Hội đồng nhân dân bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân trong các trường hợp sau đây:
- Bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
- Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao mà chưa đến mức kỷ luật cách chức nhưng cần phải bãi nhiệm.
Theo các khoản 4, 5, 6, 7 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định về miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân như sau:
- Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Trường hợp thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức bỏ phiếu kín thì thành lập Ban kiểm phiếu. Thành phần Ban kiểm phiếu và việc bầu Ban kiểm phiếu thực hiện như quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 11 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 115/2021/NĐ-CP).
- Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tán thành.
- Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Theo Điều 14 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 115/2021/NĐ-CP) quy định về thẩm định và phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:
- Việc gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 115/2021/NĐ-CP).
- Hồ sơ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân gồm:
+ Văn bản đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân;
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
+ Biên bản biểu quyết hoặc kiểm phiếu kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
+ Quyết định hoặc văn bản thông báo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;
+ Đơn từ chức trong trường hợp miễn nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ 02 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 115/2021/NĐ-CP), cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải xem xét, thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc có sai sót theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc.
- Nội dung thẩm định gồm:
+ Điều kiện miễn nhiệm, bãi nhiệm quy định tại các khoản 2, 3 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP;
+ Việc tuân thủ trình tự, thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm quy định tại các khoản 4, 5 Điều 13 Nghị định 08/2016/NĐ-CP và nội dung hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 115/2021/NĐ-CP).
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thẩm định quy định tại Điều 5 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (kèm theo hồ sơ đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân), Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xem xét, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
Hồ Quốc Tuấn