Tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/05/2023 09:00 AM

Tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân được quy định như thế nào? - Ngọc Thiện (Long An)

Tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân

Tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn chung với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân 

Tiêu chuẩn chung với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân theo Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV như sau:

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở địa phương.

- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm thạo việc, tận tụy với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức kỷ luật trong công tác.

Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2. Tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân 

Tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân theo Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV như sau:

* Chức trách: Là cán bộ chuyên trách lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Uỷ ban nhân dân và hoạt động quản lý Nhà.nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã được phân công trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

* Nhiệm vụ của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:

- Lãnh đạo phân công công tác của Uỷ ban nhân dân,các thành viên Uỷ ban nhân dân, công tác chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã, gồm:

+ Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với công tác chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân và các quyết định của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

+ Quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, tham gia quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể Uỷ ban nhân dân.

+ Áp dụng các biện pháp cải tiến lề lối làm việc, quản lý và điều hành bộ máy hành chính ở xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả.

+ Ngăn ngừa, đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực trong cán bộ công chức Nhà nước và trong bộ máy chính quyền địa phương cấp xã;tiếp dân, xét và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; giải quyết và trả lời các kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

+ Trực tiếp quản lý, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của trưởng,phó thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật.

+ Báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên.

+ Triệu tập và chủ tọa phiên họp của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

+ Thực hiện việc bố trí sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức cơ sở theo sự phân cấp quản lý.

+ Đình chỉ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật của trường thôn và tổ dân phố.

* Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:

Tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo khối công việc (khối kinh tế - tài chính, khối văn hoá - xã hội...) của Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phân công và những công việc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ủy nhiệm khi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đi vắng.

* Tiêu chuẩn đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:

- Tuổi đời: Tuổi đời của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương nhưng tuổi tham gia lần đầu phải đảm bảo làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ.

- Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

- Chính trị: Có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đối với khu vực đồng bằng; khu vực miền núi phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên.

- Chuyên môn, nghiệp vụ: ở khu vực đồng bằng, có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Với miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn (tương đương trình độ sơ cấp trở lên), nếu giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. 

Ngành chuyên môn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng loại hình đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,476

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]