Hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
22/06/2023 08:31 AM

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan gồm những cơ quan nào? Ai đang là lãnh đạo của Tổng cục Hải quan? – Hà Nhi (Bình Phước)

Hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan

Hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan

Tổng cục Hải quan được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

* Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan gồm :

- Bộ máy giúp việc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

+ Vụ Giám sát quản lý về hải quan;

+ Vụ Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu;

+ Vụ Pháp chế;

+ Vụ Hợp tác quốc tế;

+ Vụ Kế hoạch - Tài chính;

+ Vụ Tổ chức cán bộ;

+ Thanh tra;

+ Văn phòng;

+ Cục Điều tra chống buôn lậu;

+ Cục Kiểm tra sau thông quan;

+ Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan.

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Hải quan:

+ Viện Nghiên cứu Hải quan;

+ Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miền Bắc;

+ Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miền Trung;

+ Trung tâm phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu miền Nam;

+ Trường Cao đẳng Hải quan;

+ Báo Hải quan.

- Các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Cục Hải quan địa phương) trực thuộc Tổng cục Hải quan.

- Các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương trực thuộc Cục Hải quan địa phương.

* Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các Cục Hải quan địa phương và các đơn vị thuộc bộ máy giúp việc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục cho phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, đặc thù của hoạt động hải quan và quy định của pháp luật.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương.

* Tổng cục Hải quan có con dấu có hình quốc huy.

(Điều 3 Nghị định 96/2002/NĐ-CP)

2. Phụ cấp thâm niên của công chức hải quan

Công chức công tác trong ngành hải quan được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định của Luật Hải quan. Mức phụ cấp thâm niên được quy định như sau:

- Đủ 05 năm công tác trong ngành hải quan được hưởng mức phụ cấp bằng 5% mức tiền lương được hưởng theo ngạch, bậc;

- Từ năm thứ 6 trở đi cứ thêm 01 năm công tác (tròn 12 tháng) thì được tính thêm 1%.

(Điều 3 Nghị định 96/2002/NĐ-CP)

3. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan hiện nay là ai?

Tổng cục Hải quan có Tổng cục trưởng và một số Phó Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Tổng cục Hải quan.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về nhiệm vụ được phân công.

(Điều 4 Nghị định 96/2002/NĐ-CP)

Hiện nay, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan bao gồm:

- Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn.

- Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường.

 - Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng.

- Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Hải quan

Tổng cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây :

- Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về ngành hải quan; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hải quan và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của ngành hải quan :

+ Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

+ Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan;

+ Thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Chính phủ;

+ Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

- Thực hiện hợp tác quốc tế về hải quan theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong ngành hải quan;

- Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về hải quan;

- Tổ chức chỉ đạo và thực hiện thống kê nhà nước về hải quan;

- Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Quản lý tài chính và tài sản của ngành hải quan theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(Điều 2 Nghị định 96/2002/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,562

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]