Ai có thẩm quyền hủy số định danh cá nhân của công dân?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
06/07/2023 14:30 PM

Cho tôi hỏi số định danh cá nhân là gì? Ai có thẩm quyền hủy số định danh cá nhân của công dân? – Quốc Cường (Kiên Giang)

Ai có thẩm quyền hủy số định danh cá nhân của công dân?

Ai có thẩm quyền hủy số định danh cá nhân của công dân? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Số định danh cá nhân là gì?

Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP thì số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 thì số định danh cá nhân là số thẻ Căn cước công dân.

2. Ai có thẩm quyền hủy số định danh cá nhân của công dân?

Cụ thể, Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định việc hủy số định danh cá nhân cho công dân đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2021/TT-BCA như sau:

Trường hợp hủy số định danh cá nhân đã xác lập cho công dân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú phải kiểm tra, xác minh tính chính xác của các thông tin cần điều chỉnh và gửi yêu cầu đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.

Như vậy. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là người có thẩm quyền hủy số định danh cá nhân của công dân.

(Khoản 3 Điều 6 Thông tư 59/2021/TT-BCA)

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(Khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014)

3. Bị hủy số định danh cá nhân, công dân có được cấp lại không?

Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 59/2021/TT-BCA  thì sau khi quyết định hủy số định danh cá nhân cho công dân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an phải cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác.

Theo đó, nếu công dân bị hủy số định danh cá nhân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an phải cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

4. Quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quản lý, khai thác và sử dụng như sau:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

- Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như sau:

+ Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

+ Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

+ Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.

- Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân.

Khi công dân đã sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(Điều 10 Luật Căn cước công dân 2014)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,230

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]