Có phải người bị tước quốc tịch Việt Nam sẽ bị xóa đăng ký thường trú không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/06/2023 12:02 PM

Cho tôi hỏi công dân bị tước quốc tịch Việt Nam khi nào? Có phải người bị tước quốc tịch Việt Nam sẽ bị xóa đăng ký thường trú không? - Minh Hạnh (Tây Ninh)

Có phải người bị tước quốc tịch Việt Nam sẽ bị xóa đăng ký thường trú không?

Có phải người bị tước quốc tịch Việt Nam sẽ bị xóa đăng ký thường trú không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào công dân bị tước quốc tịch Việt Nam?

Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

Theo đó, công dân sẽ bị tước quốc tịch Việt Nam nếu có các căn cứ sau đây:

- Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi theo quy định trên.

(Điều 1 và Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008)

2. Có phải người bị tước quốc tịch Việt Nam sẽ bị xóa đăng ký thường trú không?

Theo khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 Luật Cư trú 2020;

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người bị tước quốc tịch Việt Nam là một trong những trường hợp sẽ bị xóa đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú 2020.

3. Thời gian để được trở lại quốc tịch Việt Nam sau khi bị tước quốc tịch là bao lâu?

Cụ thể tại khoản 3 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,165

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]