Ai có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/07/2023 16:30 PM

Xin cho tôi hỏi cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em không được nuôi dưỡng? - Minh Hoàng (Cà Mau)

Ai có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em?

Ai có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em?

Cụ thể tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em như sau:

- Trường hợp trẻ em không được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gốc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em đó.

- Việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em được quy định như sau:

+ Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

+ Trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

+ Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo 03 lần liên tiếp trên báo viết hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp;

+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Bộ Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

2. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ em

Căn cứ theo Điều 5 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ em như sau:

- Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện quy định sau đây:

+ Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

+ Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

+ Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

+ Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

- Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

3. Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi cho trẻ em

Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi cho trẻ em được quy định tại Điều 4 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

- Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.

- Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

- Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,065

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]