Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
05/08/2023 10:00 AM

Cho tôi hỏi những trường hợp nào không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự? - Diễm Hương (Bến Tre)

Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự theo Điều 4 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP như sau:

- Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động.

Ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa toàn bộ tài khoản duy nhất của doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp bị ngừng hoạt động.

- Việc áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ quy định tại khoản 7 và khoản 11 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự đối với tài sản là:

+ Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm;

+ Tài sản đã được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

- Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác quy định tại khoản 10 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự đối với tài khoản được doanh nghiệp sử dụng để thanh toán nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng.

- Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:

+ Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;

+ Tài sản của cá nhân gồm: 

++ Lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu; 

++ Thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh; 

++ Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;

++ Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; 

++ Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống thiết yếu của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 

++ Đồ dùng sinh hoạt thiết yếu;

+ Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: 

++ Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; 

++ Lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; 

++ Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; 

++ Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

2. Hướng dẫn tuyên về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án của Tòa án

Theo Điều 19 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP thì việc tuyên về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án của Tòa án như sau:

- Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa bằng một quyết định riêng và tuyên trong bản án. Việc tuyên trong bản án theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP.

- Trường hợp không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số.... Ngày.... của Tòa án nhân dân.... về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời....”. 

Phần tuyên về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án không bị kháng cáo, kháng nghị. Việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Chương VIII Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ví dụ: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra Quyết định số 02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp để bảo đảm thi hành án trong vụ án X. Tại phiên tòa giải quyết vụ án X, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số 02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp”.

- Trường hợp nội dung của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Kể từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số... ngày... của Tòa án nhân dân... trong quá trình giải quyết vụ án bị hủy bỏ”.

Ví dụ: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án về việc giao con cho mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Trường hợp này, nội dung của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án. Do đó, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục sẽ bị hủy bỏ kể từ ngày bản án đó của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,391

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]