Tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Cụ thể tại Điều 3 Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã như sau:
- Trình độ đào tạo
+ Có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về: Thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản;
+ Có trình độ sơ cấp trở lên một trong các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT đối với địa bàn cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
+ Hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan;
+ Nắm bắt và đánh giá được tình hình phát triển chăn nuôi động vật, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý;
+ Có kiến thức nhận biết dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý;
+ Có năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện công tác thú y;
+ Có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện quy định pháp luật về thú y;
+ Có ý thức trách nhiệm, tinh thần học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao;
+ Hằng năm, được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
- Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
- Bảo đảm độ tuổi làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 35/2016/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y ở xã, phường, thị trấn như sau:
- Căn cứ vào yêu cầu hoạt động thú y trên địa bàn và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là nhân viên thú y xã) theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật thú y.
- Nhân viên thú y xã được hưởng chế độ phụ cấp và bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ/CP và được thực hiện chế độ bảo hiểm theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.
- Nhân viên thú y xã được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ/CP.
Theo Điều 4 Nghị định 35/2016/NĐ-CP quy định hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y bao gồm:
- Ở Trung ương:
Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y trên toàn quốc.
- Ở địa phương:
+ Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh), giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật;
Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thú y;
+ Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện) thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng kinh tế giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật;
Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y trên địa bàn cấp huyện.
Hồ Quốc Tuấn