Đề xuất thanh tra giao thông không được dừng phương tiện (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có việc đề xuất thanh tra giao thông không được dừng phương tiện.
Dự thảo Luật Đường bộ |
Cụ thể, tại Điều 89 dự thảo Luật Đường bộ quy định về thanh tra đường bộ (hay thanh tra giao thông như sau):
- Thanh tra đường bộ gồm các cơ quan thanh tra chuyên ngành về đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Tổ chức và hoạt động của thanh tra đường bộ theo quy định của pháp luật về thanh tra.
- Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
- Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
So với hiện hành tại khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì không còn quy định về việc thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện giao thông.
Cụ thể quy định hiện hành như sau:
“...trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;”
Đồng thời tại Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra viên, công chức thanh tra được phép dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp sau đây:
- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).
- Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008, cụ thể như sau:
+ Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;
+ Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;
+ Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;
+ Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Như vậy, với đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải đã làm thay đổi lớn về thẩm quyền của Thanh tra giao thông so với quy định hiện hành.
Theo khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì thanh tra đường bộ (hay thanh tra giao thông) có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ;
Trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ;
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.