Xe kinh doanh vận tải cần mang theo những giấy tờ gì khi tham gia giao thông? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo theo quy định tại mục 1, lái xe còn phải thực hiện các quy định sau:
- Mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử);
- Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này);
- Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp;
- Lái xe không phải áp dụng quy định nêu trên trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới.
(Khoản 4 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
Tài xế xe vận tải hàng hóa ngoài các giấy tờ quy định tại mục 1 cần mang theo những giấy tờ sau:
Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy hoặc phải có thiết bị để truy cập vào phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được chở hàng vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông.
(Khoản 9 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
Theo Điều 4 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ như sau:
- Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
- Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.
- Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Nguyễn Ngọc Quế Anh