Doanh nghiệp nhà nước có bắt buộc thành lập bộ phận pháp chế không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp nhà nước như sau:
(i) Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
(i.1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
(i.2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm (i.1).
(ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm (i.1) bao gồm:
(ii.1) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
(ii.2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(iii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm (i.2) bao gồm:
(iii.1) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
(iii.2) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại Điều 10 Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước như sau:
- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.
- Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.
Tổ chức pháp chế các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Sở Tư pháp.
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước không bắt buộc phải thành lập bộ phận pháp chế, mà căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.
Người làm công tác pháp chế bao gồm:
- Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Cán bộ pháp chế được điều động, tuyển dụng vào tổ chức pháp chế ở các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân.
- Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.
- Nhân viên pháp chế được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng lao động vào tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước.
(Điều 11 Nghị định 55/2011/NĐ-CP)
Nguyễn Ngọc Quế Anh