Có bao nhiêu phương thức bảo vệ quyền dân sự?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/08/2023 13:31 PM

Xin cho tôi hỏi quyền dân sự được xác lập từ đâu? Có bao nhiêu phương thức bảo vệ quyền dân sự? – Anh Đức (Kiên Giang)

Có bao nhiêu phương thức bảo vệ quyền dân sự?

Có bao nhiêu phương thức bảo vệ quyền dân sự? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyền dân sự được xác lập từ đâu?

Theo Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015, quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:

- Hợp đồng.

- Hành vi pháp lý đơn phương.

- Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.

- Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Chiếm hữu tài sản.

- Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

- Thực hiện công việc không có ủy quyền.

- Căn cứ khác do pháp luật quy định.

2. Có bao nhiêu phương thức bảo vệ quyền dân sự?

Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

(1) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

(2) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

(3) Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

(4) Buộc thực hiện nghĩa vụ.

(5) Buộc bồi thường thiệt hại.

(6) Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

(7) Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Như vậy, sẽ có 07 phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.

3. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự của mình như thế nào?

Cụ thể tại Điều 9 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện quyền dân sự như sau:

- Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự sau đây:

+ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

+ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

+ Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

+ Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời không trái với quy định về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự sau đây:

+ Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

+ Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.

- Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,729

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]