Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 16/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Cụ thể, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư nhằm mục đích phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Đồng thời bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2023 và Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Hương ước, quy ước đã được phê duyệt hoặc công nhận trước ngày Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định 61/2023/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện cho đến khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo quy định.
Đối với hương ước, quy ước đã được phê duyệt hoặc công nhận trước ngày Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng không phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định 61/2023/NĐ-CP thì cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước mới thay thế trước ngày 31/12/2023.