09 điều cần biết về Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/09/2023 14:30 PM

Tôi muốn biết Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ là gì? Người lái xe nào thì cần Chứng chỉ này? – Thanh Trang (Bình Phước)

09 điều cần biết về Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

09 điều cần biết về Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ là giấy chứng nhận cấp cho người có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BGTVT để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

2. Người lái xe nào thì cần Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ?

Theo quy định, người lái xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ sẽ cần phải có chứng chỉ này.

Cụ thể, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ bao gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp di chuyển trên đường bộ.

(Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)

3. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn bao lâu?

Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có giá trị không thời hạn và được sử dụng trong phạm vi cả nước.

(Khoản 2 Điều 8 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)

4. Khi nào thu hồi Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ?

Người có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ bị thu hồi khi có hành vi gian dối, giả mạo giấy tờ theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BGTVT.

Và sở đào tạo theo quy định và Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện việc thu hồi Chứng chỉ.

(Điều 11 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)

5. Điều kiện dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

Để dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, cá nhân cần phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT, cụ thể như sau:

- Là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

- Đủ 18 tuổi trở lên.

6. Cơ sở nào bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ?

Các cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ bao gồm:

- Cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

- Cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng có đủ các điều kiện sau đây:

+ Phòng học luật giao thông đường bộ có đủ tài liệu giảng dạy, sa hình và hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ theo quy định;

+ Giáo viên giảng dạy phải có trình độ trung cấp trở lên, có Chứng chỉ sư phạm và giấy phép lái xe ô tô.

(Điều 5 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)

7. Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ ra sao?

Cụ thể tại Điều 6 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT quy định về chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ như sau:

TT

Nội dung chương trình

Số giờ

1

Luật Giao thông đường bộ

12

2

Điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam

8

3

Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

4

4

Quy định về cấp đăng ký, biển số; kiểm định xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ

3

5

Ôn tập và kiểm tra

5

Tổng cộng số giờ:

32

8. Hồ sơ dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

Thành phần hồ sơ dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (01 bộ), bao gồm:

- Đơn đề nghị dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT (bản chính);

Đơn đề nghị dự học bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

- Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (bản photocopy);

- 03 ảnh màu kích thước 2x3cm chụp không quá 06 tháng, kiểu chứng minh nhân dân.

Người học nộp hồ sơ tại cơ sở được phép bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

(Khoản 2, 3 Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)

9. Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

Các cơ sở bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây:

- Tuyển sinh và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo chương trình quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BGTVT.

- Báo cáo mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ với Sở Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT.

- Tổ chức kiểm tra, cấp Chứng chỉ cho người học đạt yêu cầu và lập biên bản kết quả kiểm tra bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT.

- Quản lý hồ sơ

+ Lập Sổ quản lý cấp Chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT;

+ Lưu trữ hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến công tác đào tạo và cấp Chứng chỉ.

- Báo cáo công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và cấp Chứng chỉ với Sở Giao thông vận tải theo nội dung sau:

+ Kết quả bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và cấp Chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT;

+ Việc sử dụng phôi Chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT;

+ Thu và sử dụng học phí theo quy định của Bộ Tài chính.

(Điều 7 Thông tư 06/2011/TT-BGTVT)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,046

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]