1 USD và 2,6 tỉ đồng

05/09/2013 07:46 AM

Tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tự xin cắt giảm 14 ngày lương để chia sẻ với các nhân viên dân sự của Lầu Năm góc. Tại sao lại là 14 ngày?

Bởi theo kế hoạch chi tiêu mới, việc Bộ Quốc phòng phải cắt giảm 40 tỉ USD khiến cho 800.000 nhân viên dân sự sẽ phải đi làm 14 ngày không lương, trong khi ông Chuck Hagel không nằm trong diện cắt giảm.

Trong lĩnh vực “phi chính quyền”, năm ngoái, CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Mark Zukerberg tuyên bố sẽ chỉ nhận lương 1 USD. 

Có người sẽ nói, với 28,2% cổ phần trong trị giá ngót 100 tỉ USD, Mark cần gì lương. Có người đặt câu hỏi về mục đích của mức lương tượng trưng này khi, trùng thời điểm, là đợt phát hành cổ phiếu lịch sử ra công chúng của facebook. Và thậm chí, người ta nhắc lại cái giá của “sự hy sinh cao cả” là khoản 1,5 tỉ USD, thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, mà Lee Iacocca - CEO của Chrysler, “người khai sáng” “trường phái lương 1 USD” - đã nhận từ chính phủ.

Nhưng nói gì thì nói, mức lương danh nghĩa 1 USD cho thấy cam kết trách nhiệm của DN với những người nắm cổ phiếu. Còn trường hợp “14 ngày lương” của ông Chuck Hagel, thật khó có thể dùng một từ nào khác hơn, khi đó chính xác là sự “sẻ chia”.

Hôm qua, vụ lương “khủng” của các CEO doanh nghiệp công ích TPHCM đã phải giải trình trước Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, để rồi, những “sự biến” khiến UBND TP quyết định lập đoàn kiểm tra tất cả các DN nhà nước trên địa bàn về chính sách người lao động là chế độ lương. 

Dù đây là một phiên họp mà báo chí không được dự, nhưng điều chắc chắn có thể khẳng định là chẳng có gì gọi là “sẻ chia” từ các CEO DN công ích.

Thay vì sự sẻ chia của người đứng đầu với nhân viên của mình. Người ta tìm mọi cách bòn rút, cắt xén mang miếng cơm manh áo của nhân viên để vinh thân phì gia khi những đồng lương tiền tỉ đó có được trên miếng cơm manh áo người lao động.

Một sự tình cờ cay đắng, chỉ ngay trước phiên giải trình, “ông giời” đã trút một trận mưa để người dân thành phố và dư luận cả nước có dịp kiểm chứng tương quan giữa hiệu quả công việc của ông giám đốc công ty thoát nước đã làm, và mức lương “khủng” 2,6 tỉ mà ông vẫn nhận.

Hiệu quả đó thể hiện sinh động trong một bức ảnh những người đóng thuế được gọi là dân phải dắt xe máy giữa biển nước cao ngang bụng. 

Không thể đòi hỏi “sự hy sinh cao cả”, để các CEO DN công ích TPHCM nhận mức lương tượng trưng 1 đồng. Cũng như khó đòi hỏi họ phải giảm lương để “chia sẻ” khó khăn, bởi sự sẻ chia trước hết phải bắt đầu từ sự tự nguyện với một cái tâm sáng và sự cảm thông. Lại càng khó để có thể nói chuyện đạo đức ở đây.

Có một điều có thể làm được, nói như Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khi ông “choáng váng” trước những con số lương khủng khiếp “mấy ông giỏi vậy thì cần gì nhờ đến ngân sách. Rõ ràng là bớt lương của công nhân để làm giàu cho lãnh đạo. Cái tội này là phải trị tới nơi tới chốn”.

Nhưng một biện pháp nào đó để “trị tới nơi tới chốn”, áp dụng cá biệt với cá nhân một vị giám đốc nào đó dẫu sao, cũng chỉ là chữa cháy, với những hành vi không thiếu phổ biến mà ĐBQH Lê Như Tiến thẳng thắn gọi là “không bình thường”, là “móc túi người lao động”.

Một chính sách kiểm soát lương thưởng của những người quản lý ra đời sau cơn giận dữ của cả người và trời, có lẽ đó mới là căn cơ, để không bao giờ tồn tại cơ chế lương thưởng bí mật, bịt bùng, để không bao giờ người lao động phải đau lòng khi nghe giải thích rằng mình đang bị móc túi mà hoàn toàn không hay biết.

Đào Tuấn

Theo Báo Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,406

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]