Người quản lý doanh nghiệp nhà nước là công chức hay viên chức?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
18/09/2023 15:25 PM

Xin cho tôi hỏi người quản lý doanh nghiệp nhà nước là công chức hay viên chức? - Ngọc Lâm (Thanh Hóa)

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước là công chức hay viên chức?

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước là công chức hay viên chức? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người quản lý doanh nghiệp nhà nước là ai?

Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gọi là người quản lý doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng thành viên;

- Chủ tịch công ty (đối với công ty không có Hội đồng thành viên);

- Thành viên Hội đồng thành viên;

- Tổng giám đốc;

- Giám đốc;

- Phó tổng giám đốc;

- Phó giám đốc;

- Kế toán trưởng.

(Khoản 4 Điều 2 Nghị định 159/2020/NĐ-CP)

2. Người quản lý doanh nghiệp nhà nước là công chức hay viên chức?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 159/2020/NĐ-CP quy định việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

- Thành viên Hội đồng thành viên không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 159/2020/NĐ-CP;

- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kế toán trưởng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác; Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình nhưng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp khác;

- Trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình hoặc doanh nghiệp khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu;

- Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc được kiêm nhiệm các chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty ở doanh nghiệp thành viên, nhưng không quá 03;

- Người quản lý doanh nghiệp nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, người quản lý doanh nghiệp nhà nước không là công chức cũng không là viên chức.

3. Điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 159/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 69/2023/NĐ-CP) quy định điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước như sau:

- Bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

- Tuổi bổ nhiệm:

+ Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm. Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

+ Nhân sự được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Nghị định 159/2020/NĐ-CP.

- Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

- Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm trước khi quyết định.

- Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương tối thiểu là 02 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ tương đương). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Người quản lý doanh nghiệp bị kỷ luật trong thời gian giữ chức vụ thì không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn trong thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,686

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]