Tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/09/2023 16:30 PM

Xin cho tôi hỏi tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh được quy định như thế nào? - Khánh Huyền (Bình Phước)

Tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh

Tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh do ai bổ nhiệm, miễn nhiệm?

Căn cứ theo Điều 52 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về điều tra viên vụ việc cạnh tranh như sau:

- Điều tra viên vụ việc cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm.

- Điều tra viên vụ việc cạnh tranh thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ việc cạnh tranh theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

2. Tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh

Cụ thể tại Điều 53 Luật Cạnh tranh 2018 quy định tiêu chuẩn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh bao gồm:

- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực.

- Là công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

- Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.

- Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 05 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Cạnh tranh 2018.

- Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh

Theo Điều 63 Luật Cạnh tranh 2018 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh khi tiến hành tố tụng cạnh tranh như sau:

- Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

- Lập báo cáo điều tra sau khi kết thúc điều tra vụ việc cạnh tranh.

- Bảo quản tài liệu đã được cung cấp.

- Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

- Tham gia phiên điều trần.

- Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong quá trình điều tra phù hợp với quy định của pháp luật.

- Kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh quyết định gia hạn, đình chỉ và kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh, trưng cầu giám định, thay đổi người giám định, người phiên dịch trong quá trình điều tra.

- Báo cáo để Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra.

- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018.

4. Quy định về cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh

Tại Điều 50 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh như sau:

- Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, có chức năng điều tra các hành vi vi phạm quy định tại Luật Cạnh tranh 2018.

- Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Thu thập, tiếp nhận thông tin nhằm phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

+ Tổ chức điều tra vụ việc cạnh tranh;

+ Kiến nghị áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh;

+ Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong quá trình điều tra phù hợp với quy định của pháp luật;

+ Nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh

Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh được quy định Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

- Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường sau đây:

+ Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

+ Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

+ Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

- Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,740

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]