Cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng là gì? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng là việc cấp đăng ký doanh nghiệp không thực hiện thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Việc cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng được áp dụng khi xảy ra một hoặc một số trường hợp sau đây:
- Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng, nâng cấp;
- Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gặp sự cố kỹ thuật;
- Chiến tranh, bạo loạn, thiên tai và trường hợp bất khả kháng khác.
(Khoản 1 Điều 13 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Căn cứ vào thời gian dự kiến khắc phục sự cố hoặc nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp bất khả kháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo trước cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện việc cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng.
Việc phối hợp giải quyết thủ tục cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế thực hiện theo quy trình luân chuyển hồ sơ bằng bản giấy.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải cập nhật dữ liệu, thông tin mới đã cấp cho doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(Điều 13 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 4 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.
- Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về việc thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác.
- Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được Nhà nước bảo hộ.
- Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Nghiêm cấm Cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định, văn bản về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình. Những quy định về đăng ký doanh nghiệp do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành trái với quy định tại Nghị định này không có hiệu lực thi hành.
(Điều 5 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)