Hướng dẫn lập kế hoạch kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế (Hình từ internet)
Các quy định về lập kế hoạch kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được hướng dẫn tại Quyết định 970/QĐ-TCT năm 2023 về Quy trình kiểm tra thuế, cụ thể như sau:
(1) Hướng dẫn và phương pháp lập kế hoạch kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
- Hàng năm, căn cứ yêu cầu của công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm trước ngày 15 tháng 10.
- Căn cứ văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm và yêu cầu của công tác quản lý thuế, Cục Thuế ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm trước ngày 01 tháng 11.
- Trên cơ sở văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm , cơ quan thuế thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro để thực hiện xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm theo quy định tại Điều 19 Thông tư 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
+ Trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế không dưới 90% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.
+ Trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá 10% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.
- Kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm (bao gồm cả trường hợp lựa chọn kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế) được áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro về thuế để hỗ trợ lập kế hoạch, chuyên đề.
Trường hợp áp dụng hoàn toàn các ứng dụng công nghệ thông tin để lập kế hoạch, chuyên đề thì thực hiện các bước theo quy trình của ứng dụng.
Trường hợp áp dụng một phần ứng dụng công nghệ thông tin (ứng dụng hỗ trợ một số bước) hỗ trợ lập kế hoạch, chuyên đề thì các bước được hỗ trợ thực hiện theo quy trình của ứng dụng và các bước còn lại thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
- Trường hợp trong năm cơ quan thuế các cấp có thể thực hiện xây dựng kế hoạch chuyên đề phát sinh theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan thuế cùng cấp hoặc theo chỉ đạo của cấp trên thì việc lập kế hoạch chuyên đề phát sinh trong năm được thực hiện theo như việc lập kế hoạch, chuyên đề hàng năm nêu trên.
(2) Lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch, chuyên đề kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
Cơ quan thuế thực hiện lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế:
- Lựa chọn qua phân tích đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế (không dưới 90%):
Lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống và không trùng lặp với người nộp thuế đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra, kết hợp xem xét lựa chọn người nộp thuế đã quá 05 (năm) năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.
- Lựa chọn ngẫu nhiên (không quá 10%): lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế do bộ phận lập kế hoạch, chuyên đề lựa chọn ngẫu nhiên hoặc sử dụng chức năng hỗ trợ lựa chọn ngẫu nhiên của các ứng dụng hỗ trợ lập kế hoạch.
Trường hợp cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế có thông tin tin cậy làm giảm mức độ rủi ro của người nộp thuế tới mức thấp hoặc có cơ sở cho rằng mức độ rủi ro của người nộp thuế là thấp chưa đưa vào kế hoạch kiểm tra năm thì cơ quan thuế quyết định không lựa chọn người nộp thuế đó vào kế hoạch, kiểm tra và lựa chọn người nộp thuế khác theo quy định để đưa vào kế hoạch, kiểm tra năm. Trường hợp trong công tác quản lý thuế, có thông tin thu thập và xác minh được người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao thì cơ quan thuế lựa chọn bổ sung vào kế hoạch kiểm tra năm. Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về các quyết định thay đổi của mình.
Danh sách người nộp thuế được lựa chọn kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ của các đối tượng kiểm tra; nội dung kiểm tra; chuyên đề kiểm tra, thời gian dự kiến kiểm tra (mẫu số 05/QTKT ban hành kèm theo quy trình này).
Việc lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra thuế phải tránh trùng lặp, chồng chéo theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
(3) Các trường hợp kiểm tra đột xuất tại trụ sở người nộp thuế không phải lập kế hoạch
- Kiểm tra người nộp thuế theo đơn tố cáo;
- Kiểm tra người nộp thuế theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên;
- Kiểm tra theo đề nghị của người nộp thuế (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý);
- Kiểm tra trước hoàn thuế;
- Kiểm tra theo đề xuất sau khi kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế;
- Các trường hợp kiểm tra đột xuất khác.
(4) Xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
- Trường hợp kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế cấp dưới nếu có sự trùng lặp về đối tượng kiểm tra với kế hoạch kiểm tra, thanh tra về thuế của cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế cấp trên.
- Đối với các trường hợp trùng lặp về đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế với các cơ quan khác của Nhà nước thì Thủ trưởng cơ quan thuế phối hợp với thủ trưởng cơ quan nhà nước có sự trùng lặp để xử lý và báo cáo cơ quan phê duyệt kế hoạch khi cần thiết.
(5) Ngoài việc xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm nêu trên, trong năm cơ quan thuế các cấp có thể thực hiện xây dựng kế hoạch chuyên đề phát sinh theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan thuế cùng cấp hoặc theo chỉ đạo của cấp trên.
Đối với chuyên đề kiểm tra phát sinh trong năm, kết thúc chuyên đề cơ quan thuế phải thực hiện báo cáo cơ quan thuế cấp trên chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc, tổng kết, đánh giá chuyên đề. Đối với chuyên đề trong năm tài chính chưa kết thúc nhưng cần thiết phải tiếp tục thực hiện chuyên đề sang năm tiếp theo thì kết thúc năm tài chính, cơ quan thuế phải thực hiện báo cáo cơ quan thuế cấp trên tình hình thực hiện chuyên đề. Kết thúc chuyên đề phải báo cáo cơ quan thuế cấp trên chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc, tổng kết, đánh giá chuyên đề.
(6) Phê duyệt kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế
- Việc phê duyệt kế hoạch, chuyên đề được thực hiện bằng văn bản hoặc phê duyệt trên các ứng dụng hỗ trợ lập kế hoạch.
- Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch:
+ Chi cục Thuế lập và gửi Cục Thuế xem xét phê duyệt kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm.
+ Cục Thuế lập và gửi Tổng cục Thuế xem xét phê duyệt kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm.
+ Tổng cục Thuế lập và tự phê duyệt kế hoạch kiểm tra, gửi báo cáo Thanh tra Bộ Tài chính kế hoạch đã được phê duyệt.
+ Đối với chuyên đề xây dựng trong năm do phát sinh theo yêu cầu quản lý của Thủ trưởng cơ quan thuế, Thủ trưởng cơ quan thuế cùng cấp phê duyệt chuyên đề và báo cáo cơ quan cấp trên chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Thủ trưởng cơ quan thuế phê duyệt chuyên đề.
(7) Công khai kế hoạch kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hàng năm
Kế hoạch kiểm tra, chuyên đề kiểm tra hàng năm; chuyên đề kiểm tra phát sinh trong năm (kể cả kế hoạch, chuyên đề sau điều chỉnh) phải được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc thông báo cho người nộp thuế và cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế (thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử và điện thoại) trước ngày ban hành Quyết định kiểm tra và chậm nhất là 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định phê duyệt hoặc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.
(8) Điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
Căn cứ yêu cầu công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế có văn bản hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm. Cơ quan thuế các cấp căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế để thực hiện điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề, thời gian điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản điều chỉnh kế hoạch chuyên đề hàng năm.
- Thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch chuyên đề hàng năm: Kế hoạch, chuyên đề hàng năm phải được cơ quan phê duyệt kế hoạch, chuyên đề hàng năm phê duyệt điều chỉnh.
- Việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra thực hiện như sau:
+ Nếu điều chỉnh bổ sung (bao gồm cả trường hợp bổ sung mới, bổ sung để thay thế) người nộp thuế vào kế hoạch kiểm tra thì bổ sung tiếp nhưng người nộp thuế có rủi ro về thuế từ cao xuống theo danh sách đã lập khi xây dựng kế hoạch, chuyên đề đầu năm, trong năm. Trường hợp thực hiện phân tích đánh giá rủi ro lại sau khi cập nhật thông tin dữ liệu thì thực hiện bổ sung người nộp thuế có rủi ro cao theo kết quả phân tích đánh giá lại.
+ Nếu điều chỉnh giảm kế hoạch kiểm tra thì giảm bớt người nộp thuế có rủi ro từ thấp lên trong kế hoạch, chuyên đề kiểm tra. Trường hợp thực hiện phân tích đánh giá rủi ro lại sau khi cập nhật thông tin dữ liệu thì thực hiện điều chỉnh giảm người nộp thuế có rủi ro thấp theo kết quả phân tích đánh giá lại.
- Khi thực hiện điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề, cơ quan thuế phải có báo cáo nêu rõ lý do để báo cáo cơ quan phê duyệt kế hoạch điều chỉnh xem xét phê duyệt điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề.
- Điều chỉnh kế hoạch, chuyên đề kiểm tra thuộc các trường hợp sau:
+ Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính, hoặc Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên.
+ Theo đề xuất của Thủ trưởng cơ quan thuế được giao nhiệm vụ kế hoạch kiểm tra
+ Do xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra.
+ Do thực hiện đánh giá lại rủi ro trên ứng dụng quản lý rủi ro sau khi báo cáo tài chính năm gần nhất được cập nhật theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
+ Trường hợp đến cuối năm cơ quan thuế chưa thực hiện kiểm tra hết người nộp thuế trong kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt thì các trường hợp người nộp thuế còn lại chưa kiểm tra hết phải ưu tiên chuyển sang kiểm tra trước khi thực hiện kế hoạch năm sau liền kề.