Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/10/2023 15:02 PM

Xin hỏi theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không? - Xuân Quang (Cà Mau)

Điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân

Căn cứ quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan;

(2) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập.

- Có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

(3) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

(4) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không?

Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không? (Hình từ internet)

Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không?

Căn cứ Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:

- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập với chủ sở hữu doanh nghiệp bởi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình về hoạt động của doanh nghiệp. Đồng nghĩa, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được điều kiện thứ (3) nêu trên.

Bên cạnh đó, tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân như sau:

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân không thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập như yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật mà chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ đại diện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các mỗi quan hệ này. Đồng nghĩa, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được điều kiện thứ (4) nêu trên.

Do đó, từ các dẫn chứng nêu trên có thể xác định doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 27,683

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]