Có được ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
27/10/2023 14:30 PM

Xin hỏi có được ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ không? Nếu không thì hành vi ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ bị xử phạt như thế nào? - Minh Thi (Bình Định)

Có được ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hợp đồng lao động là gì?

- Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

- Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

(Điều 13 Bộ luật Lao động 2019)

2. Có được ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ không?

Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người sử dụng lao động không được ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho mình. 

3. Xử phạt hành vi ép người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ như thế nào?

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Cưỡng bức lao động hoặc ngược đãi người lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi ép người lao động thực hiện hợp đồng để trả nợ cho mình có thể bị phạt từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

(Khoản 4 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

4. Doanh nghiệp và NLĐ phải cung cấp thông tin gì khi giao kết HĐLĐ?

Căn cứ quy định tại Điều 16 Bộ luật lao động 2019 thì doanh nghiệp và NLĐ cần cung cấp các thông tin tương ứng sau đây khi giao kết HĐLĐ:

- Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho NLĐ về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NLĐ yêu cầu.

- NLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người sử dụng lao động yêu cầu.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,326

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]