Tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
01/11/2023 17:31 PM

Các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị phải đáp ứng tiêu chuẩn gì? – Thúy Vy (Hà Tĩnh)

Tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị

Tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị là ai?

Chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị bao gồm:

- Nhân viên điều độ chạy tàu.

- Lái tàu.

- Nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga.

- Nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.

(Điều 20 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT)

2. Tiêu chuẩn nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị

- Tiêu chuẩn nhân viên điều độ chạy tàu:

+ Có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên về một trong các chuyên ngành điều hành, vận tải, khai thác vận tải đường sắt hoặc đường sắt đô thị;

+ Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Đã qua thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động; đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ điều độ chạy tàu đường sắt đô thị do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức hoặc đạt yêu cầu nghiệp vụ chức danh điều độ chạy tàu đường sắt đô thị thông qua quá trình đào tạo chuyển giao công nghệ của dự án đối với các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam.

- Tiêu chuẩn lái tàu:

+ Có giấy phép lái tàu còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Thông tư này;

+ Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Tiêu chuẩn nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga:

+ Có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn trình độ sơ cấp trở lên về một trong các chuyên ngành vận tải, khai thác vận tải đường sắt hoặc đường sắt đô thị;

+ Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Đã qua thời gian thử việc theo quy định của pháp luật; đạt yêu cầu kiểm tra về nghiệp vụ phục vụ chạy tàu tại ga do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức hoặc đạt yêu cầu nghiệp vụ chức danh nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga đường sắt đô thị thông qua quá trình đào tạo chuyển giao công nghệ của dự án đối với các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam.

- Tiêu chuẩn nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu:

+ Có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn trình độ sơ cấp trở lên về một trong các chuyên ngành vận tải, khai thác vận tải đường sắt hoặc đường sắt đô thị;

+ Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Đã qua thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động; đạt yêu cầu kiểm tra về nghiệp vụ hỗ trợ an toàn trên tàu do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức hoặc đạt yêu cầu nghiệp vụ chức danh nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu đường sắt đô thị thông qua quá trình đào tạo chuyển giao công nghệ của dự án đối với các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam.

(Khoản 1 các Điều 21, 22, 23, 24 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT)

3. Đảm nhận chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị

- Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu được phép làm công việc của các chức danh khác theo sự phân công của người sử dụng lao động như sau:

+ Chức danh lái tàu được phép làm công việc của chức danh nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu và chức danh nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga;

+ Chức danh nhân viên điều độ chạy tàu được phép làm công việc của các chức danh nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga, nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.

- Tùy thuộc vào công nghệ vận hành, khối lượng tác nghiệp, doanh nghiệp sử dụng chức danh quy định tại Điều 20 Thông tư này bố trí số lượng chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu phù hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí công tác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại mục 2 Chương II Thông tư 15/2023/TT-BGTVT để đảm bảo an toàn chạy tàu.

- Lái tàu phải được đào tạo, kiểm tra nghiệp vụ khi thay đổi tuyến đường sắt đô thị. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có trách nhiệm thực hiện việc đào tạo, kiểm tra nghiệp vụ đối với những lái tàu này.

- Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu không đảm nhận công việc theo chức danh quá 06 tháng liên tục, nếu muốn tiếp tục đảm nhận công việc thì phải qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ và đạt yêu cầu do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị quy định, tổ chức.

(Điều 25 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,426

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]