Có bao nhiêu loại hình tổ chức hòa giải thương mại?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/11/2023 14:15 PM

Cho tôi biết có bao nhiêu loại hình tổ chức hòa giải thương mại? Tổ chức hòa giải thương mại có các quyền và nghĩa vụ như thế nào? – Tuyết Thảo (Kiên Giang)

Có bao nhiêu loại hình tổ chức hòa giải thương mại?

Có bao nhiêu loại hình tổ chức hòa giải thương mại? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hòa giải thương mại là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

2. Có bao nhiêu loại hình tổ chức hòa giải thương mại?

Hiện nay có 02 loại hình tổ chức hòa giải thương mại bao gồm:

(1) Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

(2) Trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo quy định tại Điều 23 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

(Điều 18 Nghị định 22/2017/NĐ-CP)

3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hòa giải thương mại

Cụ thể tại Điều 24 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hòa giải thương mại như sau:

(1) Về quyền

- Thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại;

- Thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại;

- Xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình;

- Chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của các bên;

- Các quyền khác theo quy định Nghị định 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

(2) Về nghĩa vụ

- Lập, công bố danh sách hòa giải viên thương mại, gửi danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hòa giải thương mại đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài có hiệu lực hoặc kể từ ngày có thay đổi về danh sách hòa giải viên thương mại.

- Trả thù lao và các chi phí khác cho hòa giải viên thương mại;

- Ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại;

- Xây dựng, ban hành và công bố công khai Quy tắc hòa giải, mức thù lao hòa giải;

- Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hoạt động về tổ chức, hoạt động định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu;

- Lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định Nghị định 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

4. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Cụ thể, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

(Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP)

5. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 959

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]