05 loại thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy phép nhập khẩu năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013, thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.
Tổ chức, cá nhân phải có giấy phép khi nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật sau đây:
(1) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài;
(2) Thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);
(3) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
(4) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để thử nghiệm, nghiên cứu; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
(5) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn.
Lưu ý: Thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu nêu trên phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc khi nhập khẩu và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2, 3 Điều 67 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013)
Theo Điều 72 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013, tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có các quyền và nghĩa vụ như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
- Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;
- Yêu cầu cơ sở bán thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nội dung của nhãn thuốc;
- Được bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật.
(2) Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc bốn đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;
- Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
- Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện thuốc bảo vệ thực vật gây hậu quả xấu cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để có biện pháp khắc phục hậu quả;
- Phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định;
- Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định gây ra.