NLĐ được hưởng quyền lợi gì khi bị công ty cho nghỉ việc vì thay đổi cơ cấu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/08/2023 14:46 PM

Xin hỏi theo quy định thì NLĐ được hưởng quyền lợi gì khi bị công ty cho nghỉ việc vì thay đổi cơ cấu? - Hồng Nga (Sơn La)

Căn cứ các quy định định tại Bộ luật Lao động 2019 thì trong trường hợp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ, người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm cho người lao động thì có thể cho người lao động thôi việc nhưng chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.

Đồng thời, người sử dụng lao động phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật tại Điều 42, Điều 44 Bộ luật Lao động 2019 và các quy định pháp luật khác liên quan.

NLĐ được hưởng quyền lợi gì khi bị công ty cho nghỉ việc vì thay đổi cơ cấu?

NLĐ được hưởng quyền lợi gì khi bị công ty cho nghỉ việc vì thay đổi cơ cấu? (Hình từ internet)

NLĐ được hưởng quyền lợi gì khi bị công ty cho nghỉ việc vì thay đổi cơ cấu?

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 42 và Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp bị người sử dụng lao động cho thôi việc thì người lao động sẽ được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định.

Theo đó, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Như vậy, trường hợp bị người sử dụng lao động cho thôi việc thì người lao động được hưởng trợ cấp mất việc làm đối với thời gian làm việc trước ngày 01/01/2009, cứ mỗi năm làm việc trước ngày 01/01/2009 thì được trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Còn đối với thời gian làm việc từ ngày 01/01/2009 đến thời điểm bị công ty cho thôi việc thì người lao động sẽ được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm 2013.

Xác định tiền lương để tính trợ cấp trợ cấp mất việc làm

Căn cứ Khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,505

Bài viết về

Hợp đồng lao động

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]