Cơ cấu GDP là gì? Công thức tính cơ cấu GDP

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/11/2023 13:00 PM

Tôi muốn biết cơ cấu GDP là gì? Công thức tính cơ cấu GDP như thế nào? Có bao nhiêu phương pháp tính GDP theo giá hiện hành? – Ngọc Hân (Đồng Tháp)

Cơ cấu GDP là gì? Công thức tính cơ cấu GDP

Cơ cấu GDP là gì? Công thức tính cơ cấu GDP (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Cơ cấu GDP là gì?

GDP là viết tắt của Gross Domestic Product hay Tổng sản phẩm trong nước.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong đó, cơ cấu GDP là tỉ lệ phần trăm của 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia hay vùng lãnh thổ.

Quy ước của 3 khu vực kinh tế trong cơ cấu GDP như sau:

- Khu vực I: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

- Khu vực II: Công nghiệp và xây dựng

- Khu vực III: Dịch vụ

Công thức tính cơ cấu GDP

Cơ cấu GDP thể hiện sự phân bổ nguồn lực của nền kinh tế theo các ngành kinh tế. Cơ cấu này được tính toán bằng cách lấy tỷ trọng của từng ngành kinh tế trong tổng sản phẩm quốc nội.

Cụ thể, công thức tính cơ cấu GDP như sau:

%Khu vực = Tổng GDP khu vực/GDP cả nước x 100

Trong đó:

- % Khu vực: tỉ trọng của khu vực I, II hoặc III

- Tổng GDP khu vực: GDP được tính trong năm của khu vực

- GDP cả nước: tổng GDP của cả 3 khu vực

Kết quả của cơ cấu GDP sẽ giúp chúng ta biết được về khả năng sản xuất, cơ cấu lao động và mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia đó đang như thế nào.

Ví dụ:

- Nếu tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ cao thì cho thấy nền kinh tế có khả năng sản xuất cao.

- Nếu tỷ trọng của ngành nông nghiệp cao thì cho thấy lao động của nền kinh tế chủ yếu tập trung ở khu vực nông nghiệp.

- Nếu tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ cao thì cho thấy nền kinh tế đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Có bao nhiêu phương pháp tính GDP theo giá hiện hành?

Có 3 phương pháp tính tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành.

(1) Phương pháp sản xuất:

GDP bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành, khu vực, loại hình kinh tế và vùng lãnh thổ cộng với thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm.

Công thức tính:

GDP = Tổng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành + Thuế sản phẩm - Trợ cấp sản phẩm

Trong đó:

Giá trị tăng thêm theo giá hiện hành = Giá trị sản xuất theo giá hiện hành - Chi phí trung gian theo giá hiện hành

(2) Phương pháp thu nhập:

GDP bằng tổng thu nhập tạo nên từ các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất như lao động, vốn, đất đai, máy móc. Theo phương pháp này, tổng sản phẩm trong nước gồm: Thu nhập của người lao động từ sản xuất kinh doanh (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền), thuê sản xuất (đã giảm trừ phần trợ cấp cho sản xuất), khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất và thặng dư/thu nhập hỗn hợp.

Công thức tính:

GDP = Thu nhập của người lao động từ sản xuất + Thuế sản xuất (đã giảm trừ phần trợ cấp sản xuất) + Khấu hao TSCĐ dùng trong sản xuất + Thặng dư sản xuất hoặc thu nhập hỗn hợp

(3) Phương pháp sử dụng (chi tiêu):

GDP bằng tổng của 3 yếu tố: Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và nhà nước; tích lũy tài sản (tài sản cố định, tài sản lưu động và tài sản quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Công thức tính:

GDP = Tiêu dùng cuối cùng + Tích lũy tài sản + Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

Căn cứ: Nghị định 94/2022/NĐ-CP

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22,766

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]