Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam hiện nay là ai?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/11/2023 14:44 PM

Xin cho tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam hiện nay là ai? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt có quá trình công tác như thế nào? – Hữu Khoa (An Giang)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam hiện nay là ai?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam hiện nay là ai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam hiện nay là ai?

Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ. (Điều 1 Nghị định 98/2022/NĐ-CP)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam hiện nay là ông Lê Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng.

Bộ trưởng Lê Thanh Long sinh năm 1963 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, là Tiến sỹ Luật.

Tóm tắt quá trình công tác:

01/11/1987 - 31/12/1996:

Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; từ 01/12/1990 - 30/11/1991 là cán bộ Ban Thư ký Ủy ban Sông Mê Công quốc tế tại Băng Cốc, Thái Lan; từ 05/4/1993 - 14/9/1995 được cử đi học Thạc sỹ Luật tại Trường Đại học Tổng hợp Calgary, Canada.

01/01/1997 - 09/10/1999:

Thư ký Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

10/10/1999 - 31/3/2003:

Học Tiến sỹ Luật tại Trường Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật Bản.

01/4/2003 - 31/5/2004:

Chuyên viên, từ tháng 01/2004 là chuyên viên chính Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; từ tháng 12/2003 là Phó Bí thư Chi bộ; từ  tháng 3/2004 là Bí thư Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp.

01/6/2004 - 09/12/2008:

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Bí thư Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp.

10/12/2008 - 10/10/2011:

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; từ tháng 9/2010 là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2010 - 2015.

11/10/2011 - 02/3/2014:

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp; từ 20/10/2011 - 01/7/2012 kiêm Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.

03/3/2014 - 06/10/2015:

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

07/10/2015 - 08/4/2016:

Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp; từ tháng 01/2016 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Từ 09/4/2016 đến nay:

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021; Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; từ 13/8/2016 là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (nhiệm kỳ 2016-2021); từ 26/10/2018 là thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; từ 01/02/2019 là Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ

Quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp

Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 98/2022/NĐ-CP quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp như sau:

1. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.

2. Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.

3. Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.

4. Vụ Pháp luật quốc tế.

5. Vụ Tổ chức cán bộ.

6. Vụ Hợp tác quốc tế.

7. Vụ Con nuôi.

8. Thanh tra Bộ.

9. Văn phòng Bộ.

10. Tổng cục Thi hành án dân sự.

11. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.

12. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

13. Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

14. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

15. Cục Trợ giúp pháp lý.

16. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

17. Cục Bồi thường nhà nước.

18. Cục Bổ trợ tư pháp.

19. Cục Kế hoạch - Tài chính.

20. Cục Công nghệ thông tin.

21. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

22. Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.

23. Học viện Tư pháp.

24. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

25. Báo Pháp luật Việt Nam.

Các tổ chức quy định từ 1 đến 20 là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ 21 đến 25 là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật có 4 phòng, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính có 3 phòng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có 4 phòng, Vụ Pháp luật quốc tế có 4 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 3 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự và ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc bộ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, trừ các đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,728

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]