Hướng dẫn xét công nhận sáng kiến khi xét thi đua khen thưởng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
21/11/2023 00:31 AM

Việc xét công nhận sáng kiến khi xét danh hiệu thi đua và đề nghị khen thưởng được hướng dẫn như thế nào?

Hướng dẫn xét công nhận sáng kiến khi xét thi đua khen thưởng

Nội dung đề cập tại Công văn 3385/BTĐKT-P.II hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành ngày 20/11/2023.

Cụ thể, tại điểm c mục III.5 Công văn 5007/BNV-TĐKT năm 2023 của Bộ Nội vụ có nêu:

“Một sáng kiến chỉ được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng, sáng kiến đã sử dụng khi xét danh hiệu thi đua thì không được dùng trong xét hình thức khen thưởng và ngược lại. Không dùng một sáng kiến để xét nhiều hình thức khen thưởng”.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn xét công nhận sáng kiến như sau:

Theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến và Thông tư 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến thì sáng kiến đã được công nhận ở cơ sở, thì cơ sở đó không công nhận lại sáng kiến này nữa.

Ví dụ: A có sáng kiến được công nhận năm 2017 tại cơ sở X, thì từ năm 2018 trở đi, cơ sở X không công nhận lại sáng kiến cho A hoặc người khác ở cơ sở mà A đã được công nhận sáng kiến.

Theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP, sáng kiến phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và được Hội đồng sáng kiến xét, người đứng đầu công nhận phạm vi ảnh hưởng trong từng cấp (cấp cơ sở do Hội đồng sáng kiến cơ sở xét, người đứng đầu công nhận; cấp bộ, ngành, tỉnh do Hội đồng sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh xét, người đứng đầu công nhận; cấp toàn quốc do Hội đồng sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh xét, người đứng đầu công nhận).

Như vậy, sáng kiến chỉ được công nhận 01 lần ở 01 phạm vi ảnh hưởng trong từng cấp. Mặt khác sáng kiến chính là thành tích, khi được cấp có thẩm quyền công nhận mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xét khen thưởng.

Hướng dẫn xét, công nhận sáng kiến khi xét thi đua khen thưởng

Hướng dẫn xét, công nhận sáng kiến khi xét thi đua khen thưởng (Hình từ internet)

Tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

Ngoài ra, Công văn 3385/BTĐKT-P.II còn hướng dẫn tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng như sau:

- Sáng kiến làm tiêu chuẩn có trong danh hiệu thi đua gồm: Chiến sỹ thi đua cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, chiến sỹ thi đua toàn quốc, cả 03 danh hiệu thi đua này đều lấy nền tảng cơ sở là chiến sỹ thi đua cơ sở.

Theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng hiện hành, một trong các tiêu chuẩn chiến sỹ thi đua cơ sở là “hoàn thành tốt nhiệm vụ” và “có sáng kiến được công nhận và phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong cấp cơ sở hoặc tương đương (đối với lực lượng vũ trang)”.

- Sáng kiến làm tiêu chuẩn trong hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen, Huân chương đều lấy tiêu chuẩn là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “có sáng kiến được công nhận…”. Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh là nền tảng cơ sở để khen thưởng cao hơn.

Một trong tiêu chuẩn tặng “Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh để tặng cho cá nhân là “có 02 năm trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở”. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” cho cá nhân là “đã được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 05 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở”. Như vậy những sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở nằm trong giai đoạn đề nghị khen thưởng mới bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh hoặc Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ: Năm 2017 xét tặng “Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh” thì những sáng kiến cấp cơ sở công nhận 02 năm trở lên tính từ năm 2017 trở về trước mới bảo đảm tiêu chuẩn để xét bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh. Trường hợp xét tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” nếu năm 2017 được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh trong giai đoạn 2016-2017 thì những sáng kiến cấp cơ sở công nhận từ năm 2018 trở đi mới bảo đảm tiêu chuẩn xét, còn những sáng kiến cấp cơ sở công nhận trước năm 2018 không bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn để xét Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tiêu chuẩn xét Huân chương là đã được hình thức khen thưởng liền kề và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có số lượng sáng kiến theo phạm vi trong cấp công nhận. Những cá nhân “hoàn thành tốt nhiệm vụ” không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn xét các hình thức khen thưởng từ bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh trở lên. Mặt khác, sáng kiến là thành tích được công nhận nên phải đảm bảo nguyên tắc khen thưởng “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

Tóm lại, một trong các tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho cá nhân là mức độ hoàn thành nhiệm vụ và có sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng trong từng cấp, nằm trong thời gian xét thành tích khen thưởng mới được tính làm tiêu chuẩn khen thưởng. Theo quy định của pháp luật hiện hành trong một năm một cá nhân chỉ được xếp 01 mức độ là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hoặc “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Do vậy, nếu công nhận danh hiệu thi đua thì khi xét tặng hình thức khen thưởng từ bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh trở lên không bảo đảm đúng tiêu chuẩn và ngược lại.

Xem thêm nội dung tại Công văn 3385/BTĐKT-P.II năm 2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,780

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]