Phương tiện vi phạm hành chính là tài sản chung của vợ chồng thì xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
24/11/2023 16:30 PM

Xin cho tôi hỏi phương tiện vi phạm hành chính là tài sản chung của vợ chồng thì xử lý thế nào? - Thùy Linh (Kiên Giang)

Phương tiện vi phạm hành chính là tài sản chung của vợ chồng thì xử lý thế nào?​ (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về tài sản chung của vợ chồng như thế nào?

Theo quy định Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng như sau:

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

2. Phương tiện vi phạm hành chính là tài sản chung của vợ chồng thì xử lý thế nào?

Theo khoản 2 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, cụ thể:

- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

-Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

 Đồng thời, tại Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Như vậy, từ các căn cứ nêu trên, có thể hiểu đối với phương tiện là tài sản chung của vợ và chồng, cả hai cùng thống nhất sử dụng để kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Việc người vợ hoặc chồng trực tiếp sử dụng phương tiện thực hiện giao dịch để kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là có sự đồng ý của người kia.

Do vậy, người vợ hoặc chồng cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ liên đới khi cơ quan, người có thẩm quyền xử lý phương tiện vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, việc xử lý vi phạm hành chính vẫn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. 

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 981

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]