Cha mẹ che giấu hành vi phạm tội của con thì có phạm tội?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/11/2023 17:00 PM

Xin cho tôi hỏi cha mẹ che giấu hành vi phạm tội của con thì có phạm tội? - Bảo An (Khánh Hòa)

Cha mẹ che giấu hành vi phạm tội của con thì có phạm tội? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Che giấu tội phạm là gì? 

Theo khoản 1 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm.

2. Cha mẹ che giấu hành vi phạm tội của con thì có phạm tội?

Tại khoản 2 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại mục 1, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại mục 3.

Như vậy, người che giấu tội phạm là cha, mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. 

Trong đó theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội phạm đặc biệt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

3. Biết rõ người khác chuẩn bị phạm tội nhưng không tố giác thì có phạm tội?

Theo Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về không tố giác tội phạm như sau:

- Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định.

- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Theo đó, người không tố giác tội phạm bị xử lý như sau:

Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015 đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định nêu trên, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, trường hợp người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,001

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]