Phân cấp hậu quả của công trình phục vụ thiết kế xây dựng theo QCVN 03:2022/BXD

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
27/11/2023 13:30 PM

Cho tôi hỏi việc phân cấp hậu quả của công trình phục vụ thiết kế xây dựng được quy định như thế nào? - Hữu Khang (Cần Thơ)

Phân cấp hậu quả của công trình phục vụ thiết kế xây dựng theo QCVN 03:2022/BXD

Phân cấp hậu quả của công trình phục vụ thiết kế xây dựng theo QCVN 03:2022/BXD (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phân cấp hậu quả của công trình phục vụ thiết kế xây dựng theo QCVN 03:2022/BXD

Theo QCVN 03:2022/BXD thì cấp hậu quả của công trình phục vụ thiết kế xây dựng được phân thành ba cấp: C1 (thấp), C2 (trung bình) và C3 (cao), được quy định tại Phụ lục A QCVN 03:2022/BXD và được xác định trong nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình, cụ thể như sau:

A.1  Các công trình có cấp C3

A.1.1  Công trình tập trung đông người

A.1.1.1  Nhà ga hàng không (nhà ga chính).

A.1.1.2  Tòa nhà trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường và các công trình văn hóa tập trung đông người tương tự với tổng sức chứa trên 1 200 chỗ.

A.1.1.3  Tòa nhà trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và các nhà để kinh doanh dịch vụ tập trung đông người tương tự, có nhiều tầng với tổng diện tích sàn kinh doanh trên 30 000 m2.

A.1.1.4  Khán đài sân vận động hoặc khán đài sân thi đấu thể thao ngoài trời (và mái che khán đài, nếu có) với sức chứa trên 5 000 chỗ.

A.1.1.5  Tòa nhà thi đấu thể thao có khán đài với sức chứa trên 5 000 chỗ.

A.1.1.6  Tòa nhà bệnh viện với tổng số giường bệnh trong tòa nhà đó từ 500 giường trở lên.

A.1.2  Công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc thiệt hại về kinh tế nếu có sự cố

A.1.2.1  Các công trình chính trong cơ sở sản xuất, chế biến, sử dụng, lưu trữ, bảo quản, xử lý, tiêu hủy chất phóng xạ, vật liệu nổ có nguy cơ rò rỉ hoặc phát nổ.

A.1.2.2  Các công trình chính trong cơ sở sản xuất, chế biến, sử dụng, lưu trữ, bảo quản, xử lý, tiêu hủy hóa chất nguy hiểm, độc hại có nguy cơ rò rỉ hoặc cháy nổ.

A.1.2.3  Các công trình chính trong các cơ sở: nhà máy lọc, hóa dầu, nhà máy chế biến khí, trạm cấp khí (LPG, CNG, LNG), nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, kho chứa dầu thô, xăng dầu, kho chứa khí hóa lỏng, trạm chiết khí hóa lỏng, phân phối khí; các tuyến ống dẫn khí, dẫn dầu có nguy cơ sự cố gây thiệt hại về người hoặc hậu quả cao về kinh tế hoặc môi trường.

CHÚ THÍCH: LPG là từ viết tắt của Liquified Petrolium Gas; CNG - Compressed Natural Gas; LNG - Liquified Natural Gas.

A.1.2.4  Các công trình chính thuộc nhà máy nhiệt điện có công suất từ 150 MW trở lên.

A.1.3  Công trình có ý nghĩa chính trị - xã hội

A.1.3.1  Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, tòa nhà trụ sở Chính phủ, tòa nhà trụ sở Trung ương Đảng.

A.1.3.2  Tòa nhà bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày cấp quốc gia.

A.1.4  Công trình có quy mô kết cấu lớn

A.1.4.1  Kết cấu dạng nhà có chiều cao trên 75 m.

CHÚ THÍCH: Chiều cao kết cấu dạng nhà được tính từ cao độ mặt đất đặt công trình tới điểm cao nhất của kết cấu công trình (bao gồm tầng tum, mái dốc nếu có; không bao gồm các thiết bị kỹ thuật như cột ăng ten, cột thu sét, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, bể nước kim loại .... nếu có). Đối với công trình đặt trên mặt đất có các cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao tính từ cao độ mặt đất thấp nhất.

A.1.4.2  Kết cấu cột, trụ, tháp có chiều cao trên 75 m.

CHÚ THÍCH: Chiều cao kết cấu cột, trụ, tháp được tính từ cao độ mặt đất đặt công trình hoặc từ cao độ mặt móng công trình, lấy theo cao độ cao hơn, tới đỉnh kết cấu cột, trụ, tháp (không bao gồm các thiết bị kỹ thuật trên đỉnh cột, trụ, tháp nếu có). Đối với công trình đặt trên mặt đất có các cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao tính từ cao độ mặt đất thấp nhất.

A.1.4.3  Kết cấu dạng bể chứa, si lô có chiều cao trên 75 m, hoặc dung tích chứa lớn hơn 15 000 m3.

A.1.4.4  Kết cấu có nhịp từ 100 m trở lên.

A.1.4.5  Kết cấu ngầm thuộc công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị có chiều sâu ngầm từ 18 m trở lên.

CHÚ THÍCH: Chiều sâu ngầm của kết cấu được tính từ cao độ mặt đất đặt công trình tới mặt sàn dưới cùng.

A.1.5  Các công trình khác theo quyết định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư xây dựng công trình

CHÚ THÍCH: Đê, đập, tường chắn, kè và các công trình chịu áp tương tự phân cấp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành khác.

A.2  Các công trình có cấp C1

A.2.1  Nhà ở riêng lẻ một tầng sử dụng vật liệu độ bền lâu thấp (gạch xỉ, vôi xỉ, đá ong, đất, tre, lá và tương tự).

A.2.2  Nhà một tầng dùng vào các mục đích: sinh hoạt tạm cho người, nhà tạm tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, dịch vụ ngoài trời quy mô vừa và nhỏ; gia công, sản xuất tạm; kho lưu trữ tạm.

A.2.3  Nhà di động dạng công ten nơ hoặc nhà tháo lắp được, sử dụng vào các mục đích tạm thời.

A.2.4  Nhà bảo vệ, bãi để xe, lều trại, hàng rào tạm.

A.2.5  Các công trình có mục đích sử dụng tạm khác.

A.3  Các công trình có cấp C2

Công trình khác ngoài các công trình có cấp C1 và cấp C3.

2. Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình phục vụ thiết kế xây dựng

Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình phục vụ thiết kế xây dựng theo QCVN 03:2022/BXD như sau:

- Việc phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình nhằm thiết lập các yêu cầu an toàn cháy khi thiết kế xây dựng các hệ thống phòng cháy chống cháy cho công trình, phụ thuộc vào công năng và tính nguy hiểm cháy của công trình.

CHÚ THÍCH: Các khái niệm về an toàn cháy trong 2.3 được định nghĩa tại QCVN 06:2022/BXD.

- Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình được thực hiện theo các tiêu chí sau:

+ Bậc chịu lửa;

+ Cấp nguy hiểm cháy kết cấu;

+ Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.

- Bậc chịu lửa của công trình được phân thành 5 bậc từ I, II, III, IV đến V; phụ thuộc vào số tầng (hoặc chiều cao phòng cháy chữa cháy của công trình), nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, diện tích khoang cháy và tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ diễn ra trong công trình.

CHÚ THÍCH: Đối với nhà chung cư có chiều cao trên 75 m và nhà công cộng có chiều cao trên 50 m, QCVN 06:2022/BXD quy định các yêu cầu riêng về giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện của công trình.

- Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của công trình được phân thành 4 cấp từ S0, S1, S2 đến S3; theo tính nguy hiểm cháy của cấu kiện.

- Công trình được phân thành 5 nhóm nguy hiểm cháy theo công năng từ F1, F2, F3, F4 đến F5; tùy thuộc vào đặc điểm sử dụng chúng và vào mức đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra đám cháy có tính đến: lứa tuổi, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ, nhóm người sử dụng theo công năng chính và số người của nhóm đó.

- Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của công trình được xác định theo QCVN 06:2022/BXD.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,313

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]