Dư nợ giảm dần là gì? Công thức tính dư nợ giảm dần

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/11/2023 10:45 AM

Xin cho tôi hỏi dư nợ giảm dần là gì? Để tính phần dư nợ giảm dần mỗi tháng của một cá nhân thì sẽ áp dụng công thức nào? – Văn Dũng (Bình Dương)

Dư nợ giảm dần là gì? Công thức tính dư nợ giảm dần

Dư nợ giảm dần là gì? Công thức tính dư nợ giảm dần (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dư nợ giảm dần là gì?

Dư nợ giảm dần là hình thức vay, trong đó số nợ sẽ giảm dần thông qua việc trả dần các khoản gốc bằng nhau cùng với lãi suất hàng kỳ (thường trả theo tháng), đến khi hết thời hạn vay thì người vay đã trả hết toàn bộ khoản vay.

Cụ thể, phần tiền gốc trả sẽ bằng nhau, được trừ vào nợ gốc. Đối với phần lãi suất sẽ tính theo phần dư nợ còn lại sau khi trừ phần tiền gốc đã trả. Riêng phần dư nợ còn lại này chính là số dư cuối kỳ gần nhất của khoản vay trên bảng tính lịch trả nợ theo dư nợ giảm dần của ngân hàng.

Lưu ý: Lãi suất của các tháng sau sẽ thấp hơn các tháng trước bởi vì lãi suất này được tính dựa trên số dư cuối kỳ gần nhất của khoản vay; số tiền lãi còn nợ giảm dần khi các khoản thanh toán được thực hiện.

Như vậy, dư nợ giảm dần là một phương thức trả nợ có ưu điểm là giúp người vay tiết kiệm được tổng số tiền lãi phải trả so với phương thức dư nợ gốc.

Tuy nhiên, dư nợ giảm dần cũng có nhược điểm là cần phải thanh toán dần số tiền gốc đã vay, do đó đòi hỏi người vay phải có khả năng tài chính ổn định. Phương thức trả nợ nào tốt hơn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh và điều kiện của người vay.

Do đó, người vay cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn phương thức trả nợ phù hợp cho mình.

Hiện hành, tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh như sau:

(1) Cho vay từng lần

(2) Cho vay hợp vốn

(3) Cho vay lưu vụ

(4) Cho vay theo hạn mức

(5) Cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng

(6) Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán

(7) Cho vay quay vòng

(8) Cho vay tuần hoàn (rollover)

(9) Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức nêu trên.

(Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN)

Công thức tính dư nợ giảm dần

Công thức tính dư nợ giảm dần như sau:

- Số tiền gốc phải trả mỗi kỳ = Số tiền vay ban đầu / số kỳ trả nợ.

- Tiền lãi kỳ đầu = Số tiền vay x Lãi suất cố định hàng kỳ.

- Tiền lãi những kỳ tiếp theo = Số tiền gốc còn lại x Lãi suất cố định hàng kỳ.

- Số tiền cần phải trả mỗi kỳ = Số tiền gốc phải trả mỗi kỳ + Số tiền lãi cần trả của kỳ tương ứng.

Ví dụ:

Ví dụ, một cá nhân vay 120 triệu kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 12%/năm (1%/tháng) với hình thức vay dư nợ giảm dần, định kỳ trả nợ hàng tháng. Làm sao để biết số tiền gốc và lãi cần trả mỗi tháng?

Áp dụng công thức tính dư nợ giảm dần trên, ta có:

- Số tiền gốc trả hàng tháng = 120 triệu / 12 tháng = 10 triệu / tháng.

- Số tiền lãi cần trả tháng đầu = 120 triệu x 1% = 1,2 triệu / tháng.

- Số tiền cả gốc và lãi cần trả tháng đầu = 10 triệu + 1,2 triệu = 11,2 triệu.

- Sang tháng thứ 2, nợ gốc chỉ còn: 120 triệu - 10 triệu = 110 triệu.

Khi đó lãi cần trả tháng thứ 2 là: 110 triệu x 1% = 1,1 triệu.

Tổng số tiền cần trả tháng thứ 2 = 10 triệu + 1,1 triệu = 11,1 triệu.

Cứ thế, áp dụng công thức, ta sẽ tính được số tiền gốc và lãi cần trả vào tháng thứ 2, tháng thứ 3,...

So sánh dư nợ giảm dần và dư nợ gốc

Dư nợ giảm dần và dư nợ gốc được phân biệt thông qua các tiêu chí về số tiền gốc, số tiền lãi mỗi kỳ và tổng số tiền lãi phải trả, cụ thể:

Tiêu chí

Dư nợ giảm dần

Dư nợ gốc

Số tiền gốc

Trả một khoản cố định theo định kỳ (thường là theo tháng). Tổng số tiền gốc cần trả là như nhau.

Trả toàn bộ khi đến thời hạn thanh toán khoản vay. Tổng số tiền gốc cần trả là như nhau.

Số tiền lãi mỗi kỳ

Không giống nhau ở mỗi kỳ, những kỳ sau ít hơn những kỳ trước.

Giống nhau ở tất cả các kỳ.

Tổng số tiền lãi phải trả

Ít hơn so với dư nợ gốc.

Nhiều hơn so với dư nợ giảm dần.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22,796

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]