Tâm thần là gì? Người tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tâm thần là một dạng bệnh lý xuất hiện do hiện tượng rối loạn hoạt động của não bộ. Sự rối loạn này sẽ gây nên những biến đổi một cách bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm và hành vi, ý tưởng của người bệnh. Những dạng bệnh tâm thần phổ biến thường là chứng rối loạn lo âu, bệnh trầm cảm, chứng tâm thần phân liệt, các hành vi gây nghiện hoặc bị rối loạn ăn uống.
* Danh mục 30 bệnh tâm thần/rối loạn tâm thần thường gặp trong giám định pháp y
(1) Mất trí trong bệnh pick (F02.0)
(2) Mất trí không biệt định (F03)
(3) Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (F12)
(4) Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cocaine (F14)
(5) Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất kích thích khác bao gồm cafeine (F15)
(6) Tâm thần phân liệt thể căng trương lực (F20.2)
(7) Rối loạn loạn thần đa dạng cấp với các triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.1)
(8) Hưng cảm nhẹ (F30.0)
(9) Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hỗn hợp (F31.6)
(10) Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại thuyên giảm (F31.7)
(11) Giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0)
(12) Giai đọan trầm cảm vừa (F32.1)
(13) Rối loạn trầm cảm tải diễn, hiện tại thuyên giảm (F33.4)
(14) Khí sắc chu kỳ (F34.0)
(15) Rối loạn hoảng sợ (F41.0)
(16) Rối loạn lo âu lan tỏa (F41.1)
(17) Phản ứng trầm cảm ngắn (F43.20)
(18) Phản ứng trầm cảm kéo dài (F43.21)
(19) Phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm (F43.22)
(20) Sững sờ phân ly (F44.2)
(21) Các rối loạn vận động phân ly (F44.4).
(22) Co giật phân ly (F44.5)
(23) Các rối loạn phân ly (chuyển di) hỗn hợp (F44.7)
(24) Rối loạn cơ thể hóa (F45.0)
(25) Xu hướng tình dục quá mức (F52.7)
(26) Các rối loạn tâm thần và hành vi nhẹ, kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác (F53.0)
(27) Các rối loạn tâm thần và hành vi nặng, kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác (F53.1)
(28) Biến đổi nhân cách kéo dài sau trải nghiệm sự kiện bi thảm (F62.0)
(29) Biến đổi nhân cách kéo dài sau bệnh tâm thần (F62.1)
(30) Loạn dục trẻ em (F65.4)
(Quyết định 2999/QĐ-BYT ngày 03/11/2022)
Cụ thể tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án là một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015).
Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
Còn nếu người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án mới mắc bệnh tâm thần, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015).