Phỉ báng là gì? Hành vi phỉ báng, xúc phạm người khác bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)
Về nguyên tắc, việc một người bày tỏ ý kiến hoặc phê bình với một người khác không phải là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, nếu đi quá giới hạn với hàm ý tiêu cực thì rất dễ dẫn đến các hành vi xúc phạm, phỉ báng hoặc vu khống,…
Có thể hiểu phí báng là hành vi chê bai, nói xấu, tỏ ý coi khinh cái hoặc người nào đó thường phải được coi trọng.
Nhìn chung, nội dung phỉ báng là tuyên bố sai sự thật, gây tổn hại đến danh tiếng của một người nào đó. (Theo hướng dẫn của Facebook).
Trong khi đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân của mỗi cá nhân và được pháp luật bảo vệ.
Theo Bộ luật Dân sự 2015, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định như sau:
- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Do vậy, hành vi phỉ báng mà ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải chịu chế tài của pháp luật.
Hiện hành, chế tài xử phạt đối với hành vi vu khống, phỉ báng, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác rất cao, đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật.
Về hành chính, căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt vi phạm hành chính với các mức phạt như sau:
- Đối với người thi hành công vụ:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ (điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);
- Đối với thành viên trong gia đình:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
(Căn cứ Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
- Đối với các trường hợp khác:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. (Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Về hình sự,
Ngoài ra, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng và phạt tù với mức cao nhất từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định hành vi vu khống người khác có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng và phạt tù với mức cao nhất từ 03 năm đến 07 năm.
Như vậy, theo quy định hiện hành, chế tài xử phạt đối với hành vi phỉ báng, vu khống, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác rất cao, đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật.