Quy định về hỗ trợ tiền ăn bán trú, hỗ trợ gạo cho học sinh (Hình từ internet)
Hiện hành, tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ tiền ăn bán trú, hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn như sau:
(1) Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như sau:
(1.1) Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; (Mức lương cơ sở hiện hành là 1.800.000 đồng/tháng)
(1.2) Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
(1.3) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
(2) Trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ:
(2.1) Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành;
(2.2) Mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;
(2.3) Lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;
(2.4) Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.
(3) Trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP:
Được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo quy định tại Điểm 2.4; được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất theo quy định tại Điểm 2.1, 2.2, 2.3 tùy theo số lượng học sinh được hưởng và nguồn kinh phí hiện có.
Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 9768/VPCP-KGVX năm 2023 kết quả xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh năm học 2022-2023 và kế hoạch hỗ trợ gạo năm học 2023-2024.
Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách để thay thế Nghị định 116/2016/NĐ-CP theo quy định.
Trước đó, vào tháng 6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Dự thảo đề xuất rõ mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên. Theo dự thảo trên, về khoản hỗ trợ tiền ăn. Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 900.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Theo dự thảo, về hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) thì mỗi tháng được hỗ trợ là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Về hỗ trợ gạo, theo dự thảo mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.