Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
27/12/2023 10:40 AM

Xin hỏi hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024 thực hiện theo quy định tại Quyết định nào của Thủ tướng Chính phủ? - Minh Đức (Gia Lai)

Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm những gì?

Căn cứ quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm danh mục và nội dung được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước. Cụ thể như sau:

(1) Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:

- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;

- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;

- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;

- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;

- Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.

(2) Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:

- Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;

- Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.

Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024

Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024 (Hình từ internet)

Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024

Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ được xác định dựa trên Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

HỆ THỐNG MÃ NGÀNH KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2024

Nội dung hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024

Nội dung hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ áp dụng theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, cụ thể như sau:

NỘI DUNG HỆ THỐNG MÃ NGÀNH KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2024

Một số khái niệm định nghĩa về hoạt động kinh tế và ngành kinh tế

(1) Hoạt động kinh tế: là quá trình sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, lao động, công nghệ, mạng thông tin... nhằm tạo ra các hàng hóa hoặc dịch vụ mới, như vậy mỗi hoạt động kinh tế có đặc trưng được thể hiện bằng qui trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

(2) Ngành kinh tế: về lý thuyết sẽ là tốt nhất nếu mỗi hoạt động tạo nên một ngành, do vậy danh mục ngành là danh mục các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên trong thực tế, danh mục ngành theo chuẩn mực tối ưu này không xác lập được do sự phong phú, tính phức tạp và hay thay đổi của các hoạt động kinh tế. Do đó ngành kinh tế trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam là tập hợp các hoạt động kinh tế giống nhau dựa trên 3 tiêu chí xếp theo thứ tự ưu tiên dưới đây:

- Qui trình và công nghệ sản xuất của hoạt động kinh tế;

- Nguyên liệu đầu vào mà hoạt động kinh tế sử dụng để tạo ra sản phẩm;

- Đặc điểm của sản phẩm sản xuất ra của hoạt động kinh tế.

Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam phân loại các hoạt động kinh tế dựa trên tính chất của hoạt động kinh tế, do đó cần lưu ý một số nội dung sau:

- Không căn cứ vào loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, phương thức hay qui mô của hoạt động sản xuất. Chẳng hạn đối với hoạt động sản xuất giày dép thì bất kể hoạt động này thuộc sở hữu tư nhân hay nhà nước, loại hình tổ chức là doanh nghiệp độc lập hay phụ thuộc hay cơ sở kinh doanh cá thể, được thực hiện theo phương thức thủ công hay máy móc, với quy mô sản xuất lớn hay nhỏ đều được xếp vào ngành: “Sản xuất giày dép”, mã số 15200.

- Khái niệm “ngành kinh tế” khác với khái niệm “ngành quản lý”: Ngành kinh tế trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được hình thành từ các hoạt động kinh tế diễn ra trong lãnh thổ kinh tế của Việt Nam, bất kể các hoạt động kinh tế này do ai quản lý; ngược lại ngành quản lý bao gồm những hoạt động kinh tế thuộc quyền quản lý của một đơn vị nhất định (Bộ, ngành quản lý nhà nước ...), bất kể hoạt động đó thuộc ngành kinh tế nào. Như vậy ngành quản lý có thể bao gồm một hay nhiều ngành kinh tế.

- Khái niệm ngành kinh tế cũng cần phân biệt với khái niệm nghề nghiệp. Ngành kinh tế gắn với đơn vị kinh tế, tại đó người lao động làm việc với các nghề nghiệp khác nhau. Lao động theo ngành kinh tế phản ánh hoạt động kinh tế của mỗi cá nhân trong tổng thể các hoạt động của đơn vị; nghề nghiệp của người lao động phản ánh kỹ năng và việc làm cụ thể của họ tại đơn vị. Ví dụ, một người lao động làm kế toán trong đơn vị có hoạt động chính “Sản xuất thuốc lá”, khi đó lao động được xếp vào ngành sản xuất thuốc lá nhưng nghề của lao động này là kế toán.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,338

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]