Năm 2025, người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
30/12/2023 11:15 AM

Xin cho tôi hỏi năm 2025, người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? - Mỹ Duyên (Hà Giang)

Năm 2025, người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người nước ngoài nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Căn cứ Điều 17 Luật Nhà ở 2023 quy định cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở khi cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo đó, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức sau đây:

+ Sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023;

+ Sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định nêu trên.

2. Năm 2025, người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam?

Theo Điều 19 Luật Nhà ở 2023 quy định số lượng nhà ở mà cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam như sau:

- Cá nhân nước ngoài quy định tại mục 1 chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

- Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ quy định nêu trên.

- Chính phủ quy định yêu cầu về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiêu chí quy đổi quy mô về dân số tương đương một phường, số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu, việc gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở và việc quản lý, sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Lưu ý: Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở khi cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng phải không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

3. Các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Tại Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

(1) Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp quy định sau đây thì không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

(i) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở nằm trong khu vực không thuộc diện được sở hữu theo quy định tại Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;

(ii) Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam.

(2) Đối tượng quy định tại điểm (i) được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán hoặc tặng cho nhà ở; đối tượng quy định tại điểm (ii) được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.

(3) Việc bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng quy định tại điểm (2) được thực hiện khi có các giấy tờ theo quy định sau đây:

- Có hợp đồng tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự của Việt Nam;

- Có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho, bên để thừa kế theo quy định của Luật Nhà ở và Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;

- Có văn bản ủy quyền bán hoặc tặng cho nhà ở được lập theo quy định của pháp luật dân sự nếu ủy quyền cho người khác bán, tặng cho nhà ở.

(4) Trình tự, thủ tục mua bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng quy định tại khoản (2) được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ởNghị định 99/2015/NĐ-CP.

(5) Trường hợp trong số đối tượng được thừa kế nhà ở có cả người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và người không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên được thừa kế phải thống nhất phân chia tài sản nhà ở này theo một trong các trường hợp sau đây:

- Các bên thống nhất đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó cho người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

- Các bên thống nhất thực hiện tặng cho hoặc bán nhà ở này cho đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại khoản (2), khoản (3) để hưởng giá trị.

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,881

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]