Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
30/12/2023 10:00 AM

Cho tôi hỏi theo quy định thì cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu? - Hồng Hoa (Kiên Giang)

Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ

Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

- Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

- Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 (Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực);

- Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

Theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?

Theo Điều 50 Bộ luật Lao động 2019 thì Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

3. Quy định về yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu theo Điều 401 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động 2019.

- Đơn yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn;

+ Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

4. Quy định về xem xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu của Tòa án nhân dân

Quy định về xem xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu của Tòa án nhân dân theo Điều 402 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

- Thời hạn chuẩn bị xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

- Sau khi thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, Tòa án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lý cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn hoặc văn bản yêu cầu, nếu người yêu cầu rút yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn, văn bản yêu cầu.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

- Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Trong quyết định này, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

- Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu phải gửi đến người có đơn hoặc văn bản yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cùng cấp trong trường hợp có liên quan đến doanh nghiệp không có trụ sở chính tại Việt Nam.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,430

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]