Hoa sen có phải là quốc hoa của Việt Nam? (Hình từ internet)
Thông thường mọi người sẽ nghe nhắc đến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy,… nhưng với khái niệm quốc hoa thì ít người biết đến.
Quốc hoa là loài hoa biểu trưng của một đất nước, nhìn vào đó, người ta tìm thấy nét văn hóa và lịch sử lâu đời của đất nước đó, phản ảnh những đức tính tốt đẹp của con người cũng như tâm hồn, tính cách, đặc điểm dân tộc,…
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc về đặt vấn đề công nhận hoa sen là quốc hoa của Việt Nam?
Nữ đại biểu đặt vấn đề, bao giờ Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án phát triển cây sen và xác định hoa sen là quốc hoa của Việt Nam? Thủ tướng cần làm gì để các sản phẩm dệt từ tơ sen Việt Nam có điều kiện phục vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN từ năm 2020?
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hoa sen hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành Quốc hoa của Việt Nam nhưng việc lựa chọn cần kỹ lưỡng, bài bản.
Quốc hoa sẽ là biểu tượng văn hoá của một đất nước, được toàn dân tôn vinh, dùng trong các ngày lễ tết, giao lưu văn hoá, nhất là trong giao lưu đối ngoại, nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc. Việt Nam có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi cho nhiều loài hoa tồn tại và phát triển. Hoa có giá trị gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần và rất gần gũi với mọi người Việt Nam trong đời sống hàng ngày.
Từ lâu hoa sen với những đặc tính ưu việt nổi trội về hương sắc, khả năng sống và phát triển, mang nhiều biểu tượng văn hoá, cốt cách của con người Việt Nam, hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Quốc hoa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn hoa sen là Quốc hoa cần được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, đảm bảo tính khoa học, tính xã hội và nhận được sự đồng thuận chung của cả nước.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam, chưa công nhận Quốc hoa.
Trước đây, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 104/TB-VPCP ngày 11/3/2013 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án Quốc hoa Việt Nam. Nội dung kết luận như sau: Ngày 05/3/2013, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án Quốc hoa Việt Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau: 1. Đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiến hành lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam. 2. Việc lựa chọn Quốc hoa cần có hình thức thích hợp để đông đảo nhân dân trong cả nước lựa chọn và suy tôn. 3. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và cách thức lựa chọn, suy tôn Quốc hoa. |
Hiện nay trên thế giới đã có gần 100 quốc gia công bố quốc hoa, trong đó, có nước lựa chọn 1 loài hoa nhưng có nước công nhận từ 2 đến 3 loại hoa làm Quốc hoa.
Đặc biệt hoa sen đang được nhiều nước chọn làm quốc hoa, có thể kể đến như:
**Ấn Độ:
Hoa sen (hoa sen trắng) đã trở thành quốc hoa của Ấn Độ từ năm 1950. Hoa sen là biểu tượng thiêng liêng của đạo Hindu và đạo Phật ở Ấn Độ, có vị trí quan trọng trong văn hoá và tín ngưỡng ở nước này.
**Ai Cập:
Người Ai Cập tin rằng hoa sen cho họ sức mạnh và quyền lực, loại hoa này cũng sử dụng hoa sen trong vòng hoa tang, lễ chùa và trang sức phụ nữ.
**Sri Lanka
Với phần đông dân số theo đạo Phật, nên với những đặc tính của mình là biểu tượng của sức mạnh, sự linh thiêng và cao thượng nên hoa sen được chọn làm quốc hoa của Sri Lanka.