Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ nếu NLĐ mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
19/01/2024 09:30 AM

Xin hỏi nếu người lao động mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động bị xử lý như thế nào?

Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ nếu NLĐ mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng

Về vấn đề này, có thể tham khảo nội dung trả lời tại Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022 về người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Cụ thể đối với việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

2. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III của Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: “Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bdo vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau:

1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:

- Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;

- Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

- Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:

- Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;

- Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2;

- Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 797

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]