'Giới hạn cho phép' hay 'xa mặt cách lòng'?

05/12/2013 14:09 PM

Tiêm chủng vắc xin luôn luôn là một vấn đề gây tranh luận. Ở Việt Nam, có lí do chính đáng để tranh luận về tiêm chủng vắc xin, vì đã có trên 10 trẻ em bị tử vong sau khi tiêm một vắc xin mới.

Quyết định tiêm chủng phải là quyết định của cá nhân (tức cha mẹ hoặc người được ủy quyền), chứ không phải dựa vào “nguy cơ có thể chấp nhận được” - Ảnh: Ngọc Thắng

Bình luận trước tình trạng tử vong, vài quan chức cho rằng con số tử vong nằm trong “giới hạn chấp nhận được”. Tuy nhiên, họ không cho biết ngưỡng nguy cơ nào là không chấp nhận được, ngưỡng đó được xác định ra sao, do ai xác định, và có ý nghĩa gì với Việt Nam.

Bất cứ can thiệp y khoa nào cũng có lợi ích và tác hại. Do đó, vấn đề không phải là loại bỏ nguy cơ tác hại (vì không thể được) mà là đảm bảo sao cho lợi ích cao hơn nguy cơ gây tác hại.

Khái niệm “nguy cơ có thể chấp nhận được” (acceptable risk) đề cập đến khả năng một biến cố bất lợi xảy ra rất thấp so với lợi ích rất cao mà xã hội hay các thành viên trong xã hội sẵn sàng chấp nhận nguy cơ đó. Nhưng vấn đề đặt ra là ngưỡng nguy cơ nào có thể chấp nhận được, và trong thực tế không có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi đó, vì cảm nhận về nguy cơ còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Cách đây không lâu, có một nghiên cứu về khái niệm nguy cơ có thể chấp nhận được với kết quả ngạc nhiên.  Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đặt ra một tình huống khá nan giải: Bạn đang mắc bệnh một bệnh mà nguy cơ tử vong là 10%. Một vắc xin được bào chế từ vi rút có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng người dùng vắc xin này sẽ có nguy cơ tử vong 5%. Câu hỏi đặt ra là bạn có dùng vắc xin không nếu bạn là: bệnh nhân; bác sĩ của bệnh nhân; Giám đốc y khoa của một tổ chức y tế.  Kết quả cho thấy số người chấp nhận dùng vắc xin dao động tùy theo vai trò. Tỉ lệ dùng vắc xin như sau: (a) bệnh nhân: 48%; (b) bác sĩ của bệnh nhân: 63%; (c) Giám đốc y khoa của một tổ chức y tế: 73%.

Nên nhớ rằng nguy cơ tử vong hoàn toàn như nhau giữa các cá nhân, và theo logic thì không có lý do gì câu trả lời phải khác nhau giữa các cá nhân. 

Cần nói thêm rằng các nhà nghiên cứu còn hỏi “bạn có sẵn sàng cho con của bạn dùng vắc xin”, thì kết quả cho thấy có 57% trả lời sẵn sàng.  Những kết quả trên đây phản ảnh một xu hướng thú vị là: khi mối quan hệ giữa người trả lời và bệnh nhân càng xa thì họ càng sẵn sàng dùng vắc xin.  Đây chính là một chứng cứ về tư duy “chẳng trực tiếp liên quan đến tôi, nên tôi mạnh tay”.

Kết quả trên cũng có thể hiểu rằng người ta không muốn đem nguy cơ cho chính mình, nhưng vì nhân danh trách nhiệm (như bác sĩ và Giám đốc y khoa), họ sẵn sàng vượt qua giới hạn tâm lý cá nhân để đem nguy cơ cho người khác với niềm tin rằng lợi ích cao hơn tác hại.

Đây rất có thể chính là tư duy của Tổ chức Y tế thế giới khi họ đề ra khái niệm “giới hạn chấp nhận được” trong nguy cơ tiêm chủng vắc xin, bởi vì họ ở xa Việt Nam, và càng xa hơn đối với trẻ em ở vùng sâu vùng xa. Tôi nghĩ tư duy này có thể tóm lược trong thành ngữ “xa mặt cách lòng” mà bất cứ người Việt nào cũng biết.

Theo một thống kê, tính từ tháng 10.2010 đến nay đã có 27 trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin. Một tiết lộ đáng quan tâm là tính trung bình mỗi năm có khoảng 10 trẻ em tử vong sau khi dùng vắc xin.

Đây là một con số có thể nhỏ đối với những nhà hoạch định chính sách, nhưng nó rất lớn và những mất mát không thể định lượng được đối với gia đình có con bị tử vong.

Đối với một quan chức y tế, nguy cơ là một tỉ lệ được mô tả bằng phần trăm. Với nguy cơ thấp thì tử số thường rất nhỏ và mẫu số thường rất lớn. Nhưng đối với một cá nhân thì nguy cơ không có nghĩa gì cả, bởi vì mẫu số chỉ là một.  Một cá nhân hoặc là tử vong hay không tử vong, chứ không có cái gọi là “nguy cơ tử vong”. Do đó, khái niệm “giới hạn cho phép” có thể có ý nghĩa đối với những người trong Tổ chức Y tế Thế giới, nhưng là một xúc phạm đến gia đình của trẻ em đã qua đời. Đối với tử vong, không có cái gọi là khái niệm “giới hạn cho phép”.

Vioxx là một thuốc rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh xương khớp. Nhưng thuốc có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dù nguy cơ này rất thấp. Có thể nói một cách khách quan rằng đối với Vioxx, lợi ích cao hơn nguy cơ tác hại nhưng thuốc vẫn bị rút khỏi thị trường vì có nguy cơ đột quỵ. 

Một số thuốc điều trị loãng xương rất có hiệu quả nhưng có thể (chỉ “có thể”) liên quan đến nguy cơ rung nhĩ và hoại tử xương hàm dù nguy cơ rất thấp (chỉ 1/100.000 ca) tuy nhiên, theo nguyên tắc ngừa trước rủi ro, bác sĩ vẫn phải nói cho bệnh nhân biết nguy cơ biến chứng của thuốc.

Không ai nghi ngờ rằng tiêm chủng vắc xin đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng trong việc phòng ngừa các bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà, và viêm gan. Nhưng những biến chứng sau khi tiêm vắc xin dẫn đến tử vong là một minh chứng rằng vắc xin cũng có thể có tác hại dù chúng ta chưa biết mức độ tác hại cao thấp ra sao.

Quyết định tiêm chủng phải là quyết định của cá nhân (tức cha mẹ hoặc người được ủy quyền), chứ không phải dựa vào “nguy cơ có thể chấp nhận được”. Phụ huynh trẻ em có quyền tiếp cận thông tin về lợi ích và nguy cơ về phản ứng nặng và tử vong để đi đến một quyết định sáng suốt. 

Nguyễn Văn Tuấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, là một giáo sư y khoa, tác giả của nhiều cuốn sách đã xuất bản tại Việt Nam, blogger đang sống và làm việc tại Úc.

Nguồn: Tiền Phong 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,794

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]